Người thầy thuốc biết thương kẻ khó

(Dân trí) - Đã từ rất lâu hình ảnh người thầy thuốc Trần Hậu Cư cứ chiều chiều cầm ống nghe đi khám bệnh đã in đậm trong tâm thức của người dân phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh). Họ gọi bác sĩ Cư là “người thầy thuốc có tấm lòng nhân ái”.

Những trăn trở…

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề thuốc Đông y lâu đời, sớm nhận thức được trách nhiệm của người nối nghiệp cha ông, bác sĩ Trần Hậu Cư đã luôn cố gắng học hỏi từ người bố của mình về phương pháp khám và chữa bệnh bằng thuốc bắc.

Là con của Lương y Trần Hậu Ngoạn, người đã từng được Bệnh viện Mắt TƯ  mời ra giới thiệu kinh nghiệm điều trị Nhãn khoa bằng bài thuốc gia truyền Đông y về chữa trị Nhãn khoa của nhà họ Trần Hậu tại bệnh viện theo chỉ thị của Thứ trưởng Bộ Y tế thời bấy giờ, năm 1988 sau khi học xong cấp 3 , thầy thuốc Trần Hậu Cư  theo học chuyên sâu thêm về Đông y ở Nghệ An. Đến năm 1991 lương y Cư về làm việc tại Trạm y tế phường Thạch Quý đồng thời làm thêm nghề cắt thuốc bắc tại nhà. Sau một thời gian trực tiếp khám và bốc thuốc chữa bệnh, lương y Cư đã trăn trở rất nhiều về việc áp dụng kết hợp kiến thức chữa bệnh giữa Đông và Tây y. Bởi vậy, từ năm 1997 đến năm 2005 thầy Trần Hậu Cư đã sắp xếp hoàn cảnh gia đình để theo học trường CĐ Y Hà Tĩnh và Trường ĐH Y Huế.

Từ năm 2001 đến nay bác sĩ Cư giữ chức vụ Trưởng trạm phường Thạch Quý  đã mang về cho Trạm nhiều thành tích cao, trong đó thành tích đáng tự hào nhất là đã xây dựng Trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn I (2001-2010). Hiện bác sĩ Cư cùng toàn thể nhân viên đang phấn đấu xây dựng đơn vị Trạm y tế lên Chuẩn Quốc gia giai đoạn II.

Khi được hỏi về bí quyết thành công trong điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Cư chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi đang phấn đấu xây dựng trạm Y tế phường lên chuẩn Quốc gia giai đoạn II, nhưng cơ sở vật chất còn thiếu nhiều. Điều tôi trăn trở và mong muốn nhất vẫn là làm thế nào để khi các bệnh nhân đến khám và điều trị luôn hài lòng về cách phục vụ. Bản thân tôi luôn tự răn mình phải trau dồi về chuyên môn lẫn Y đức để khi đúng trước bệnh nhân mình tự tin hơn và mang đến lại sức khỏe, niềm vui khi bệnh nhân ra về”

Đối với đồng nghiệp trong cơ quan, bác sĩ Cư luôn biết sống hòa đồng, sẵn sàng trao đổi những kinh nghiệm về cách điều trị bệnh. Đối với bệnh nhân đến khám và điều trị tại trạm, bác sĩ Cư luôn  tận tâm chu đáo, không để mất lòng ai.

Bác sĩ Trần Hậu Cư đang khám bệnh
Bác sĩ Trần Hậu Cư đang khám bệnh

Y sĩ Võ Thị Hoài Hương, Trạm y tế phường Thạch Quý vui vẻ cho biết:  “Bác sĩ Cư là người Trưởng trạm nhiệt tình, tân tâm trong công việc, hòa nhã trong đời thường và luôn quan tâm  đến mọi đối tượng bệnh nhân theo lời Bác Hồ dạy “ Lương y như từ mẫu”. 

Tấm lòng Y đức

Đã từ rất lâu hình ảnh người thầy thuốc Trần Hậu Cư cứ chiều chiều cầm ống nghe đi khám bệnh cho các bệnh nhân trong địa phương in dấu vào tâm thức của người dân phường Thạch Quý. Họ gọi bác sĩ Cư là “người  thầy thuốc có tấm lòng nhân ái”. Bởi mỗi lần khám xong bệnh và kê đơn thuốc cho bệnh nhân là bác sĩ Cư lẳng lặng ra về mà không nỡ nhận tiền thù lao của bất cứ bệnh nhân nào nhất là đối với các gia cảnh nghèo khó.

“Bác sĩ Cư là vị cứu tinh của cả làng, cả Phường chúng tôi đó. Mỗi lần khám bệnh xong là bác không lấy tiền, nhiều bệnh nhân nghèo họ biết ơn bác lắm. Tui cũng là bệnh nhân gần chục năm được bác  chữa trị. Nhưng mỗi lần đến khám là bác không hề lấy tiền. Nhiều khi gia đình tui cũng rất ngại nhưng nếu đưa tiền là bác tỏ ra không vui và không nạt cho là may lắm”. bệnh nhân Trương Thị Huệ thành thật tâm sự.

Bà Huệ mắc căn bệnh bên Tây y gọi là “rối loạn thần kinh thực vật”  và bên Đông Y gọi là Can Hỏa Vương, triệu chứng của bệnh là đau đầu chóng mặt, buồn nôn, lạnh run người. Con cháu có người còn nghi bà bị mắc bệnh “ma thuốc độc” uống thuốc cũng không khỏi, bệnh còn nặng thêm. Cuối cùng bà đã về theo chữa trị tại bác sĩ Cư mấy năm nay, bây giờ bệnh bà đã may mắn khỏi khoảng 80%. Được biết, bác sĩ Cư đã kết hợp cả tây lẫn đông y để chữa trị cho bà Huệ. Ngoài kê đơn thuốc bắc ra thì bác sĩ Cư kết hợp tiêm thuốc mỗi ngày. 

Bài thuốc gia truyền chủ yếu là chữa trị các bệnh về mắt như viêm giác mạc, viêm võng mạc trung tâm, tắc lệ đào… Những bệnh về mắt, bác sĩ Cư luôn đảm bảo việc chữa khỏi cho bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân đã đi chữa trị khắp nơi nhưng không khỏi đã tìm đến bác sĩ Cư và được chữa khỏi hẳn, không tái phát.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Hiệt và Lê Văn Trường , thôn 6, Bình Lộc ,huyện Lộc Hà, đã tìm đến bác sĩ Cư và nay bệnh đã khỏi hẳn .

Hơn 20 năm theo nghề thuốc gia truyền với phương châm “thầy thuốc như mẹ hiền” luôn đặt lên hàng đầu và tận trong trái tim người thầy thuốc bác sĩ Trần Hậu Cư đã không nhớ hết  chữa khỏi cho biết  bao nhiêu bệnh nhân Nhiều bệnh nhân đường xa trong đêm khuya  lên cơn sốt đã gọi bác sĩ Cư đến truyền dịch. Bác vẫn lặn lộn một mình một xe dẫu là mưa hay nắng đến giúp người ta, có khi ngủ lại nhà họ để túc trực bệnh nhân. Vất vả là vậy, nhưng bác sĩ Cư không nhận một đồng tiền công nào.

“Tiền cũng  cần cho sinh hoạt, nhưng cái quan trọng nhất trong nghề y đó là y đức . Hành nghề y mà đánh mất lương tâm là không thể tồn tại lâu dài. Theo nghề y đã lâu, nhưng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ làm giàu từ cái nghề này. Tôi chỉ mong sao khi bệnh nhân uống thuốc vào trở nên khỏe mạnh và vui vẻ là tôi đã giàu có lắm rồi”, bác sĩ Cư vui vẻ tâm sự.

                                    Thu Hoài