Người phụ nữ vẫn sống khỏe sau 8 năm phát hiện mắc ung thư gan

(Dân trí) - Sau 4 tháng đau tức bụng vùng hạ sườn phải, ăn uống kém, sụt 2kg, nữ bệnh nhân ở Ninh Bình đi khám thì phát hiện khối u ở gan với kích thước khá lớn. Đến nay, sau 8 năm bà vẫn sống khỏe mạnh.

Ung thư gan là một trong các bệnh ung thư phổ biến, có tỷ lệ mới mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu tại Việt Nam. 

Thống kê năm 2018 của Cơ quan nghiên cứu ung thư Quốc tế cho thấy, số ca mắc mới ung thư gan là 25.335 người chiếm khoảng 15%, với 25.404 tử vong chiếm 22% cao nhất trong các loại ung thư hiện nay tại Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do xơ gan, viêm gan virus B, C…

Theo PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)chẩn đoán và điều trị ung thư gan hiện nay đã phát triển hơn rất nhiều. Đối với các ung thư tế bào gan nguyên phát nếu được phát hiện hiện từ giai đoạn sớm/rất sớm khi chức năng gan vẫn còn tốt thì có khả năng điều trị triệt căn bằng các phương pháp phẫu thuật, tiêm cồn, đốt sóng cao tần hay ghép gan có thể đem lại hiệu quả và tác động lên thời gian sống sót sau điều trị cao trên 5 năm. 

Trong đó, các phương pháp có ưu nhược điểm khác nhau. Với các khối u đơn độc kích thước lớn trong gan thì phương pháp đốt sóng cao tần cho thấy ưu điểm an toàn và hiệu quả khi bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật đồng thời đem lại tác dụng hoại tử có thể tiên lượng tốt hơn và hiệu quả vượt trội hơn so với tiêm cồn.

Bà Nguyễn T. T., 60 tuổi, ở Gia Viễn, Ninh Bình là một trường hợp mắc ung thư gan đã được điều trị ổn định được 8 năm. 

Người phụ nữ vẫn sống khỏe sau 8 năm phát hiện mắc ung thư gan - 1
Hình ảnh khối u trên siêu âm ổ bụng ngày 10/5/2012.

Trước đó, vào tháng 3/2012, bà thấy đau tức bụng vùng hạ sườn phải khoảng 4 tháng, không sốt, không nôn, ăn uống kém, gầy sút cân 2kg. Sau đó, thấy những cơn đau tức vùng hạ sườn phải tăng lên, nà đến khám tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). 

Khi đó, thể trạng chung của bà tốt, không sờ thấy hạch ngoại vi, các cơ quan khác chưa phát hiện bất thường. Các chỉ số cơ bản trong xét nghiệm công thức máu ở trong giới hạn bình thường. Kết quả sinh hóa máu cho men gan và chất chỉ điểm khối u tăng cao ( chỉ số AFP là 2837ng/ml trong khi bình thường dưới 7ng/mL). Bệnh nhân không có tiền sức mắc viêm gan virus B,C. 

Kết quả siêu âm ổ bụng phát hiện có hình ảnh khối u ở gan phải, kích thước 3x4cm. Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng thấy một khối tổn thương tại gan phải đường kính 70x50mm, không phát hiện tổn thương thứ phát.

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư gan, kích thước khối u khá lớn, song chưa di căn hạch, di căn xa sang cơ quan khác. Các bác sĩ quyết định thực hiện phương pháp đốt sóng cao tần tiêu diệt khối u gan.

Sau 2 tháng, bệnh nhân đi khám lại, chất chỉ điểm khối u AFP giảm xuống chỉ còn 11ng/ml, sau đó giảm dần chỉ còn 2,56ng/ml vào tháng 10/2012- ở mức bình thường. Khi đó, bà T không còn đau tức vùng hạ sườn phải, ăn uống tốt hơn. Kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy tổn thương cũ, không tăng sinh mạch, không có tổn thương mới.

Sau đó, bệnh nhân được theo dõi định kỳ theo hẹn. Kết quả kiểm tra năm 2014, phát hiện khối u kích thước kích thước 29x33 mm, có viền xơ hóa, không có khối tăng sinh mạch, không thấy khối u mới. Tương tự, kết quả kiểm tra năm 2015, cũng là khối tổn thương gan phải kích thước 29x33 mm, không sinh mạch, không xuất hiện khối mới.

Người phụ nữ vẫn sống khỏe sau 8 năm phát hiện mắc ung thư gan - 2
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng vùng tổn thương khối u cũ.

Hiện tại sau 8 năm phát hiện bệnh ung thư gan, bệnh nhân khỏe mạnh, trên siêu âm ổ bụng không phát hiện tổn thương tái phát, xét nghiệm chất chỉ điểm u trong giới hạn bình thường. 

Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư gan là bệnh có tiên lượng xấu, tiên lương bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bệnh tiên lượng tốt nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, thể trạng bệnh nhân tốt, không kèm theo bệnh lý về gan (xơ gan, viêm gan B,C…). Bệnh tiên lượng xấu khi phát hiện ở giai đoạn muộn, thể trạng kém, kèm theo các bệnh lý về gan. 

Để phòng bệnh ung thư gan, GS Khoa khuyên:

- Tiêm vắc xin phòng bệnh viện gan B đầy đủ

- Không lạm dụng rượu, bia, thuốc lá

- Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, lối sống lành mạnh

- Không dùng chung bơm kim tiêm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu có dính máu của người bệnh, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để phòng tránh viêm gan virus B

- Những người mắc viêm gan B,C hoặc các bệnh lý về gan (viêm gan do rượu, gan nhiễm mỡ, xơ gan…) cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế. 

- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. 

Nam Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm