Người phụ nữ cao lên 8cm sau ca mổ chữa căn bệnh gây đau đớn 20 năm
(Dân trí) - Uống cả thuốc tây, thuốc bắc và đi điều trị rất nhiều nơi, người phụ nữ vẫn không trị dứt căn bệnh gây đau thắt lưng nặng phải chịu đựng suốt 20 năm, khiến cơ thể bị vẹo sang phải.
Ngày 24/4, bác sĩ Hồ Nhựt Tâm, Trưởng Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) cho biết, nơi này vừa điều trị thành công một nữ bệnh nhân ngoài 60 tuổi, mắc chứng vẹo, còng và biến dạng cột sống rất nặng.
Khai thác bệnh sử, cách đây 20 năm, người phụ nữ bắt đầu có biểu hiện đau nhiều vùng thắt lưng. Uống thuốc tây không bớt đau, bà chuyển sang uống thuốc bắc vài tháng, nhưng người bị phù lên nên ngưng điều trị.
Khoảng 10 năm trước, bệnh nhân đi khám tại một bệnh viện ở TPHCM, được chẩn đoán vẹo cột sống do thoái hóa nặng kèm thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, tuy nhiên nơi này không xử trí gì thêm. Đến năm 2019, bệnh nhân thấy thường xuyên đau âm ỉ vùng lưng - thắt lưng nên tự ra tiệm mua thuốc uống tạm để cầm cự.
Một năm trở lại đây khi cơn đau lưng tăng dần, bệnh nhân phát hiện lưng mình bị vẹo rõ sang phải. Khai với bác sĩ, bà nghĩ có thể do mỗi lần đau lưng có thói quen nghiêng sang phải cho bớt đau, nên dần dần cơ thể bị lệch.
Cách nhập viện 1 tháng, bệnh nhân đau nhiều vùng thắt lưng lan xuống vùng dưới, tê bì hai chân, đi lại khó khăn, cúi ngửa đau tăng nhiều, đến nỗi đi khoảng cách 5-10m phải nghỉ một lát mới tiếp tục đi. Quá bất tiện trong sinh hoạt, người phụ nữ đến Bệnh viện Trưng Vương "cầu cứu".
Tại Đơn vị Cột sống, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị vẹo cột sống ngực - lưng 27 độ, thậm chí nhiều vị trí vẹo đến 42 độ.
Bệnh nhân còn bị thoái hóa cột sống ngực - lưng - thắt lưng, còng cột sống ngực - lưng, biến dạng xương, mất thăng bằng nặng toàn bộ cột sống, chèn ép ống sống và rễ thần kinh nhiều vị trí...
Sau khi xác định tình trạng cụ thể, ekip điều trị tiến hành phẫu thuật giải ép, ghép xương, cắt đĩa đệm hàn xương liên thân đốt cột sống thắt lưng kết hợp nắn chỉnh đường cong cột sống thắt lưng bằng ốc.
Ca phẫu thuật kéo dài 7,5 tiếng đồng hồ. Sau mổ, bệnh nhân cao thêm 8cm, dáng người đi thẳng, không còn đổ về trước, cải thiện đau tê 2 chân, sức cơ hoàn toàn bình phục.
Theo bác sĩ Tâm, vẹo cột sống ở người trưởng thành chiếm tỷ lệ 2-32%. Bệnh thường bắt đầu ở độ tuổi khoảng 50, gặp ở cả nam và nữ. Nhiều báo cáo khác nhau cho thấy rằng, vẹo cột sống do thoái hóa chiếm tỷ lệ 68%. Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần khi tuổi ngày càng lớn, khiến các đĩa đệm bắt đầu thoái hóa, các cơ duỗi của cột sống bị giảm mật độ và tăng lượng mỡ xâm nhập...
Cũng theo bác sĩ, vẹo cột sống người trưởng thành do thoái hóa liên quan đến cấu trúc giải phẫu cơ thể, nên nguyên tắc điều trị là can thiệp vào cấu trúc giải phẫu của cơ thể thông qua phẫu thuật. Không có một loại thuốc nào (đặc biệt là thuốc bắc hay thuốc quảng cáo trên mạng) có thể chỉnh sửa được bất thường cấu trúc trong cơ thể.
Để phòng ngừa bệnh, người dân cần ngồi hoặc đứng trong tư thế giữ cột sống thẳng, không mang vác vật nặng nhiều. Nếu cần thiết, có thể sử dụng áo nẹp cột sống chuyên dụng để hỗ trợ cơ học.
Khi có các dấu hiệu sớm của thoái hóa cột sống, như đau lưng có hoặc không lan xuống chân, đau lưng khi cúi ngửa hoặc ngồi lâu, thấy cột sống bị còng, vẹo dù ở mức độ nhẹ... cần đi khám chuyên khoa cột sống sớm để phát hiện bệnh và can thiệp kịp thời.