1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người mẹ san sẻ một phần cơ thể để con trai được sống cuộc đời trọn vẹn

Nam Phương

(Dân trí) - Thấy cảnh người con trai duy nhất trong nhà phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, cuộc sống gần như gắn liền với bệnh viện, máy chạy thận, người mẹ 42 tuổi (Hà Nội) không khỏi xót xa.

Mong ước con được sống trọn vẹn, không phải phụ thuộc vào máy móc

Trước đó 2 năm, con chị Vy (tên nhân vật đã được thay đổi) phát hiện mắc bệnh thận IgA. Đây là tình trạng cầu thận (đơn vị lọc của thận) bị viêm do sự lắng đọng của các phức hợp miễn dịch, đặc biệt là IgA, dần dần gây bệnh thận mạn tính, suy thận trong một số trường hợp.

Sau 2 năm điều trị bảo tồn, bệnh tiến triển thành suy thận mạn giai đoạn cuối. Ước mơ hoài bão gần như khép lại với chàng trai 24 tuổi. 

Người mẹ san sẻ một phần cơ thể để con trai được sống cuộc đời trọn vẹn - 1

Quả thận hiến tặng của người mẹ đã trao cho chàng trai cơ hội được sống lần thứ 2 (Ảnh: M.Q).

Thấy cảnh người con trai duy nhất trong nhà phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, cuộc sống gần như gắn liền với bệnh viện, máy chạy thận, chị không khỏi xót xa. Mong muốn con có cuộc sống tốt hơn, không phụ thuộc vào máy móc, chị quyết định hiến cho con một quả thận. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết, trường hợp mẹ con chị Vy là một trong 5 cặp ghép thận từ người cho sống đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện.

Quả thận hiến tặng của người mẹ đã trao cho chàng trai cơ hội được sống lần thứ 2, một cuộc đời trọn vẹn, không lệ thuộc vào máy móc. Sau ghép, sức khỏe của bệnh nhân dần ổn định, ăn uống sinh hoạt tương đối tốt.

Theo BS Tuyên, đặc điểm của bệnh nhân chạy thận chu kỳ là thể trạng không khỏe mạnh như bình thường, ăn uống kiêng khem, bệnh nhân phụ thuộc vào máy chạy thận.

Bệnh nhân thường xuyên trong tình trạng thiếu máu, mệt mỏi, do các chất độc trong cơ thể còn ứ đọng. Có những bệnh nhân chạy thận cao 168cm, nhưng chỉ nặng 39kg. 

Trong khi đó, kỹ thuật chạy thận nhân tạo về cơ bản giúp kéo dài tuổi thọ, cuộc sống của bệnh nhân, không thể thay thế hoàn toàn chức năng của quả thận, mà chỉ cải thiện một phần. Một ca chạy thận có khi phải mất thời gian cả buổi. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

Người mẹ san sẻ một phần cơ thể để con trai được sống cuộc đời trọn vẹn - 2

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Ảnh: N.P).

Khoa Nội thận - Tiết niệu đang quản lý và theo dõi khoảng gần 180 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ. Mỗi ngày có 80 bệnh nhân chạy thận nhân tạo chia làm 3 ca.

"Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà mệt mỏi, đi lại nhiều lần và chi phí tốn kém. Khoảng 10% bệnh nhân đang điều trị tại khoa có nhu cầu ghép thận, tuy nhiên nguồn tạng hiến khó khăn, một số trường hợp gặp khó khăn về kinh phí", BS Tuyên nói. 

Theo ông, độ tuổi mắc bệnh thận mạn trung bình 52-54. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đã mắc bệnh thận mạn, phải chạy thận chu kỳ.

Ngoài yếu tố do bệnh lý, theo thống kê số người trẻ mắc bệnh thận mạn tăng lên là do lối sống ít vận động, sử dụng đồ chế biến sẵn nhiều, lạm dụng đồ uống có chất kích thích, dùng thuốc…

Trong khi đó, dấu hiệu bệnh thận mạn nghèo nàn, mơ hồ, khi bệnh đã biểu hiện thì đa phần ở giai đoạn muộn. Một số bệnh nhân đi khám vì biến chứng suy thận từ đó phát hiện ra bệnh. Một số đi khám sức khỏe định kỳ vô tình phát hiện bệnh.

Vì vậy, việc duy trì, phát triển và làm chủ kỹ thuật ghép thận tại bệnh viện sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là cơ sở y tế thứ 2 của TP Hà Nội triển khai kỹ thuật ghép thận. 

Ghép tạng là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20

Ngày 8/9, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã chính thức ghi tên mình trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho một bệnh nhân nữ ở Tuyên Quang. Đó cũng là thời điểm siêu bão Yagi đổ bộ vào TP Hà Nội.

"Thời điểm mở kẹp động mạch, bệnh nhân bắt đầu có nước tiểu, gần như các y bác sĩ đều vỡ òa hạnh phúc. Điều đó cho thấy, dấu hiệu thận đã có sự hoạt động, nguy cơ thải thép tối cấp đã giảm xuống. Khi đó, các bác sĩ có niềm tin gần như chắc chắn cuộc phẫu thuật đã thành công", BS Tuyên nhớ lại. 

Người mẹ san sẻ một phần cơ thể để con trai được sống cuộc đời trọn vẹn - 3

Dấu hiệu bệnh thận thường khá nghèo nàn, mơ hồ nên nhiều người phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn (Ảnh: N.P)

Đến nay, bệnh viện đã thực hiện 5 ca ghép thận từ người cho sống. Ca ghép được thực hiện dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Quân y 103.

Trong tương lai, bệnh viện sẽ cố gắng làm sao kỹ thuật ghép thận trở thành thường quy hơn. Bệnh viện đã triển khai 2 đề án, mục tiêu trong 2025 là triển khai kỹ thuật ghép thận, lấy mô tạng ở người chết não để tiến hành ghép đa tạng cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã xây dựng đề án ghép giác mạc. 

Ghép tạng là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20, là thành tựu kỳ diệu nhất của y học Việt Nam và cũng là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối.

Đây là cơ hội tốt nhất đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không thể hồi phục. 

Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá, là phép màu kỳ diệu của cuộc sống giúp cho những người bệnh tưởng chừng như đã không còn hy vọng có thêm cơ hội được sống bình thường, được tiếp tục những ước mơ còn dang dở.