Người mẹ bị ung thư đã cắt cổ tử cung vẫn sinh được con trai khỏe mạnh

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sau khi phẫu thuật cắt cổ tử cung vì căn bệnh ung thư, người phụ nữ vẫn mang thai và sinh được một bé trai khỏe mạnh nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ của các bác sĩ tại TPHCM.

Ngày 13/6, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, thời gian qua khoa đã tiến hành một loạt ca phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc, bảo tồn chức năng sinh sản cho phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, giúp các bệnh nhân hoàn thành được khát khao làm mẹ.

Điển hình là trường hợp của chị Linh (37 tuổi, tên đã thay đổi), được chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn IA1. Bệnh nhân đã thực hiện cắt tử cung tận gốc ngả bụng và nạo hạch chậu 2 bên vào tháng 2/2020. Đến tháng 8/2020, bệnh nhân mang thai.

Trong quá trình mang thai, bệnh nhân khám và theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Từ Dũ, có 2 lần dọa sinh non, được đặt thuốc và nằm nghỉ ngơi hoàn toàn. Để phòng ngừa sinh non,  bác sĩ cho chị Linh đặt vòng nâng tử cung. Khi thai được 35 tuần, bệnh nhân có dấu hiệu vỡ ối nên được bắt con chủ động, đưa bé trai nặng 2,1kg chào đời an toàn. Hiện tại, bé đã 14 tháng tuổi và phát triển bình thường.

Người mẹ bị ung thư đã cắt cổ tử cung vẫn sinh được con trai khỏe mạnh - 1

Bé trai con bệnh nhân ung thư đã cắt tử cung chào đời, phát triển khỏe mạnh (Ảnh: NVT).

Theo bác sĩ Tiến, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 4.100 trường hợp mới mắc và hơn 2.200 ca tử vong vì ung thư cổ tử cung (theo Globocan 2018).

Ung thư cổ tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Việc điều trị tiêu chuẩn đối với bệnh này bao gồm phẫu thuật cắt tử cung, hóa - xạ trị triệt để, đều dẫn đến hậu quả cuối cùng là bệnh nhân không còn khả năng sinh con. Rất nhiều bệnh nhân ung thư trẻ tuổi có mong muốn một lần được làm cha mẹ, do đó, việc xem xét điều trị bảo tồn chức năng sinh sản là một vấn đề quan trọng.

Bác sĩ Tiến cho biết, với bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp cắt tử cung tận gốc, tỷ lệ sinh thành công sau đó rất thấp (chỉ khoảng 50%) và phẫu thuật này cũng ít được áp dụng tại một số nước trên thế giới.

Ngoài ra, việc chăm sóc thai kỳ ở bệnh nhân cắt cổ tử cung tận gốc là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự phối hợp của bác sĩ ung thư phụ khoa, bác sĩ sản khoa và bác sĩ sơ sinh. Những nguy cơ có thể xảy ra là sảy thai sớm, vỡ ối non, sinh non, viêm âm đạo.

Người mẹ bị ung thư đã cắt cổ tử cung vẫn sinh được con trai khỏe mạnh - 2

Các bác sĩ hy vọng, thời gian tới có thể bảo tồn chức năng sinh sản cho những bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn hơn (Ảnh: NVT).

Thống kê từ tháng 7/2018 đến 9/2020, có 12 phụ nữ trẻ ung thư cổ tử cung được phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc, bảo tồn chức năng sinh sản tại khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Các bệnh nhân đều được lựa chọn kỹ lưỡng, có kết quả giải phẫu bệnh là ung thư cổ tử cung giai đoạn từ IA1-IB1 chưa di căn, tuổi dưới 45, có mong muốn bảo tồn chức năng sinh sản.

Các bác sĩ hy vọng, trong thời gian tới có thể bảo tồn "thiên chức" làm mẹ cho những bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn hơn. Đồng thời khuyến cáo phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh sản là nên khám tầm soát sức khỏe định kỳ, để nếu phát hiện bệnh cũng điều trị kịp thời.