1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người lớn coi chừng “bệnh con nít”!

Đưa vợ đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM), anh N.T.H.M (39 tuổi) cho biết anh chị vừa chăm con hết thủy đậu xong thì vợ anh lại bị lây bệnh từ con. “Tôi không nghĩ bệnh lại dễ lây đến thế. Hôm trước, cháu nhỏ hàng xóm cũng bị thủy đậu mà cả nhà ấy có ai bị lây đâu? Vả lại, con gái tôi mới 3 tuổi, bị bệnh hay ngứa nên thường nũng nịu mẹ. Cô ấy đâu đành đẩy con ra, thế là cứ bồng bế suốt...” - anh kể.

Con gái của họ đã khỏi bệnh khá nhẹ nhàng, không hề bị sốt, chỉ thỉnh thoảng than ngứa khi bóng nước vỡ. Trong khi đó, mẹ bé lại bị khá nặng, mấy hôm liền sốt lên đến trên 39 độ, ăn uống không được. Bác sĩ điều trị cho biết đây là đặc điểm của thủy đậu, các cháu bé bị thường không nặng, chỉ có trẻ quá nhỏ (dưới 2 tuổi) và người lớn là sốt và mệt nhiều. Đây là căn bệnh lây truyền qua đường hô hấp, không chừa một ai, nhất là khi các bóng nước trên da người bệnh vỡ ra, người chăm sóc trực tiếp có nguy cơ bị lây rất cao nếu chưa từng bệnh hoặc chưa được tiêm ngừa.

Câu chuyện nêu trên không hiếm gặp ở những gia đình có trẻ mắc bệnh nhiễm siêu vi. Những căn bệnh đang “quấy rầy” các bé trong mùa hè này như thủy đậu, quai bị... hay thấy ở trẻ em hơn, người lớn ít mắc. Vì thế, đôi khi trong nhà có trẻ mắc bệnh, phụ huynh rất kỹ lưỡng phòng lây truyền cho trẻ khác nhưng lại quên mất chính mình cũng có thể là người bị lây tiếp theo. Ngoài ra, việc “quên” bảo vệ chính mình còn khiến người lớn có thể vô tình trở thành cầu nối mang mầm bệnh từ đứa trẻ này sang đứa trẻ khác dù bản thân họ có đủ sức đề kháng và không phát bệnh.

Một căn bệnh thường khiến “cả nhà bị” nữa là sốt xuất huyết, dù không lây trực tiếp mà chỉ có thể mắc phải do vật trung gian là muỗi. Nguyên nhân là ở nhiều gia đình, trẻ nhỏ được cẩn thận thoa kem chống muỗi, mặc đồ dài tay, ngủ mùng... nhưng người lớn thì lại chủ quan, không có biện pháp bảo vệ nào, thậm chí khi trời nóng quá còn mặc đồ ngắn và ngủ không mùng, mền. Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, sốt xuất huyết hay gặp ở trẻ em hơn, gần như chiếm đến 95%. Song gần đây, tỉ lệ người lớn mắc bệnh này ngày càng tăng.

Nhiều người nghĩ rằng người lớn khỏe mạnh hơn nhưng thực ra, khi bị sốt xuất huyết thì đây mới là đối tượng dễ bị nặng. Theo bác sĩ Tiến, bệnh nhân trưởng thành có nguy cơ biến chứng sốc nhiều hơn hẳn trẻ em và tình trạng xuất huyết cũng nặng hơn, như xuất huyết tiêu hóa, nữ giới có nhiều trường hợp còn bị rong kinh... Vì thế, nếu cho là “bệnh của con nít” mà không đề phòng thì rất nguy hiểm!

Theo Nguyên Anh

Người lao động