“Người làm khoa học cần sự tôn vinh, không phải vì tiền bạc, chức tước”
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ là một giám khảo đã có nhiều năm tham gia chấm giải Nhân tài đất Việt. Năm nay, ông quyết định “đổi ghế” từ vị trí giám khảo sang thành ứng viên dự giải vì cảm nhận sự thú vị, ý nghĩa của giải thưởng…
- Là một thành viên Hội đồng khoa học công nghệ của Bộ Y tế đã từng nhiều mùa giải tham gia chấm Nhân tài đất Việt (lĩnh vực Y dược), ông đánh giá thế nào về giải thưởng thường niên được Dân trí tổ chức này?
- Tôi may mắn được mời chấm giải Nhân tài đất Việt (NTĐV) một vài lần. Lúc đầu tôi thấy có cảm giác như chấm một giải thưởng cấp nhà nước nhưng về sau tôi mới chợt nhận ra giá trị lớn từ giải thưởng của một cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm và có ý thức nhân rộng những hoạt động nghiên cứu, những mô hình làm khoa học. Cơ quan có uy tín đứng ra tổ chức để đánh giá, nhìn nhận, tôn vinh tài năng, nhân tài. Vì thế tôi cảm thấy giải thưởng này rất có ý nghĩa.
Tôi cũng phải nói luôn là nhìn chung các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu từng được nhận giải thưởng đều cảm thấy rất vinh dự, đều đánh giá đây là giải thưởng thực chất, uy tín, có giá trị. Bạn bè, đồng nghiệp của tôi có những nhà khoa học rất thành danh nhận giải thưởng.
Như năm ngoái, giải nhất về lĩnh vực y dược được trao cho PGS.TS Nguyễn Văn Thạch - Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức với công trình nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống. Khi được giải, anh Thạch đã gọi điện cho tôi chia sẻ là anh hết sức tự hào, hết sức vui khi nhận được giải thưởng này. Đó là một trong nhiều ví dụ cho thấy ý nghĩa của giải thưởng.
- Vậy mùa giải năm nay, lý do gì ông quyết định đổi vị trí từ giám khảo chấm Nhân tài đất Việt sang thành một ứng viên tham gia dự giải?
- Vì tôi cảm thấy rất thú vị với giải thưởng này. Và khi đã tham gia chấm giải rồi thì mới định lượng được tiêu chí, mức độ yêu cầu của giải thưởng mà tôi thấy ở Viện tôi có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu có tầm cỡ tương đương. Sang năm chúng tôi sẽ lại gửi một hồ sơ công trình khác nữa. Ngồi chấm thì tôi tự cảm thấy, với đề tài như bên Viện mình làm, gửi dự giải sẽ có khả năng “trúng” nên tôi đã động viên anh em cùng tham gia.
- Được biết, công trình của ông dự giải năm nay là một nghiên cứu ứng dụng về công nghệ tế bào gốc. Năm ngoái, trên cương vị giám khảo, ông đã chấm một công trình nghiên cứu về ghép tế bào gốc của Đại học Y dược Huế nhưng rất tiếc công trình đó không đạt được giải cao. Vậy năm nay, ông có tự tin với công trình của Viện mình khi đề tài cũng là về công nghệ tế bào gốc?
- Năm ngoái, công trình của ĐH Y dược Huế là ứng dụng ghép tế bào gốc để điều trị ung thư vú và u xơ tử cung. Tôi cho là công trình hết sức ý nghĩa nhưng lại chưa đạt giải, tôi cho là do việc chuẩn bị hồ sơ chưa ổn nên chưa thuyết phục được hội đồng. Còn công trình của chúng tôi làm năm nay, tôi khẳng định giá trị ở sự mới mẻ, mang lại hiệu quả rất cao cho xã hội. Chúng tôi xây dựng một ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng để điều trị các bệnh máu.
- Là một thành viên hội đồng chấm giải nhiều năm, như vậy, có thể thấy, ông đã cảm nhận được sự nghiêm túc trong bình xét, cũng như không khí rất “găng” để tìm được công trình đóng góp xứng đáng. Ông tự tin tham gia “cuộc đua” năm nay khi đã hiểu rõ cách thức xét duyệt giải thưởng như thế?
- Đúng thế, hội đồng làm việc nghiêm túc lắm. Và tôi thấy cần phải làm như thế.
Công trình tham gia giải năm nay, tôi nói thật, về mô hình ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn ở Việt Nam thì chúng tôi không phải người đầu tiên làm, đã nhiều nơi như Viện Nhi TƯ, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Meko Stem ở TPHCM, Bệnh viện Huyết học và truyền máu TPHCM. Nhưng ngân hàng chúng tôi xây dựng có điểm mới mà tôi đã học từ Nhật Bản đưa về - đó là ngân hàng của cộng đồng.
Điều đó có nghĩa chúng tôi đi xin máu dây rốn của các sản phụ sinh nở hàng ngày chứ không phải là hướng vào những người chủ động nộp tiền gửi và lưu giữ mẫu máu cuống rốn để sử dụng cho con cái mình sau này khi cần. Chúng tôi kêu gọi các sản phụ hiến rồi đưa về xử lý máu dây rốn đó, lữu trữ bảo quản để phục vụ cho cộng đồng.
Hiện tại trung bình tại Việt Nam, mỗi đêm có 120-150 ca sinh nở mà như vậy mỗi ngày chỉ cần chọn 2 mẫu để lưu giữ là ổn. Như vậy, chúng tôi thường chỉ cần chọn từ 2 mẫu bánh nhau tuyệt vời nhất về mặt thể tích để đưa vào ngân hàng máu cuống rốn.
Chúng tôi cũng cải tiến công nghệ xử lý tế bào gốc nên tiến tới thu gom được, tập hợp được nhiều tế bào gốc hơn. Ngoài ra, chúng tôi tiến hành xét nghiệm HLA với độ phân giải cao.
Với 3 điều kiện như thế, chúng tôi đã xây dựng được một ngân hàng cộng đồng phong phú, có ý nghĩa với cộng đồng.
- Được biết nhu cầu của bệnh nhân cần được điều trị, ghép tế bào gốc ở Việt Nam hiện rất lớn mà người bệnh nếu có điều kiện thì mới sang Singapore, sang Nhật thực hiện được. Với việc xây dựng ngân hàng của ông, triển vọng điều trị từ kỹ thuật này ở trong nước thế nào?
- Khả năng điều trị được mở rộng rất nhiều. Tôi xin kể câu chuyện này. Năm 2010 Viện Huyết học và Truyền máu TƯ được sự cho phép của Bộ Y tế tổ chức hội nghị đầu tiên về ghép tế bào gốc. Khi đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bây giờ (lúc đó đang là Thứ trưởng) có hỏi tôi là kỹ thuật ghép tế bào gốc giờ khó ở điểm nào mà việc triển khai thực hiện “lẹt đẹt” thế? Có phải bị thiếu tiền không, do thiếu thuốc, do chưa nắm được kỹ thuật? Tôi đều trả lời là không. Cái khó nhất là không có tế bào, không có nguồn để ghép. Chị Tiến tiếp tục hỏi vậy có cách nào giải quyết. Tôi nói Viện mình đang tìm cách nhưng thấy khó, nan giải.
Sau đó, nói thật là chúng tôi quyết định qua Nhật học công nghệ (nơi đầu tiên trên thế giới xây dựng ngân hàng tế bào gốc cộng đồng). Khi về áp dụng để xây dựng ngân hàng của mình thì chúng tôi thấy tỷ lệ phù hợp để ghép đạt tới 97%, nghĩa là hầu hết những người bệnh cần đều có thể tìm được mẫu tế bào gốc tương thích để điều trị cấy ghép. Tỷ lệ như vậy là lớn lắm, mừng lắm, rất có ý nghĩa với cộng đồng.
- Tham gia giải thưởng NTĐV lần này, hẳn là ông cũng mong đợi công trình của mình được ghi nhận. Ý nghĩa của giải thưởng, nếu có, đối với ông và những người cùng làm việc?
- Giải thưởng, nếu đạt được, có ý nghĩa rất to lớn với chúng tôi. Nó khẳng định được một công trình, một kỹ thuật mà cán bộ y bác sĩ Viện huyết học và truyền máu của Việt Nam mình làm được, được xã hội thừa nhận, các nhà khoa học thừa nhận. Đó là phần thưởng về sự ghi nhận, tôn vinh mà đôi khi với những người làm khoa học chúng tôi, làm việc không phải chỉ vì tiền bạc, vì chức tước mà còn vì danh dự, vì sự ghi nhận của xã hội như thế. Đó cũng sẽ là động lực để chúng tôi tiếp bước, là sự động viên cho anh em. Từ khi tham gia, anh em có vẻ hào hứng, hăng hái lắm.
Khi làm các giải thưởng, tôi nghĩ mục đích chính là để tôn vinh và nhân rộng giá trị cho cộng đồng và tôi cho rằng, trong những năm qua Nhân tài đất Việt đã làm được điều đó.
- Xin cảm ơn ông và chúc ông có được kết quả như kỳ vọng!
P.Thảo (thực hiện)