Người khiếm thị dễ thành “người mù”
(Dân trí) - Hiện Việt Nam có khoảng hơn 2 triệu người bị khiếm thị. Tuy không phải là những người mù, chỉ là thị lực kém nhưng vì không được chăm sóc, phục hồi chức năng, nên nhiều người trong số họ mắt từ nhìn kém, ngày càng kém đi.
PHCN thị giác cho người khiếm thị bản chất không phải là một phương pháp điều trị để làm thay đổi tình trạng thị giác cho bệnh nhân mà thực chất của nó là dùng các kính trợ thị để cải thiện sức nhìn, hướng dẫn luyện tập cách sử dụng từng loại trợ thị cho từng hoạt động trong cuộc sống và hướng dẫn cho họ cách cải thiện môi trường nhìn, cách định hướng di chuyển… để có thể độc lập trong sinh hoạt.
Theo PGS.TS. Đỗ Như Hơn, Giám đốc BV Mắt TƯ, từ thực trạng hiện nay phần lớn người khiếm thị chưa được quan tâm chăm sóc và phục hồi chức năng (PHCN) về mặt thị giác. Để chăm sóc những người khiếm thị, BV sẽ thành lập Đơn vị PHCN dành cho người khiếm thị.
Đây cũng là dự án đầu tiên với mô hình chăm sóc mắt và phục hồi chức năng được thực hiện tại cơ sở nhãn khoa ở Việt Nam dành cho người khiếm thị. Trẻ khiếm thị sẽ được khám, chỉ định các phương pháp trợ thị và hướng dẫn các kỹ năng tự phục vụ để có thể theo học, hòa nhập tại các trường bình thường. Dự án cũng chăm sóc cho những người khiếm thị trưởng thành.
TS Hiền cho biết, có thể phát hiện tình trạng khiếm thị dựa vào các dấu hiệu như: rung rinh mắt (rung giật nhãn cầu), trẻ không nhìn theo vật hoặc không nhận biết được gương mặt của mẹ, phàn nàn vì không nhìn rõ khi trời tối, gặp khó khăn khi đi lại hoặc lên xuống cầu thang, cố gắng đọc sách hoặc nhìn mọi vật xung quanh ở khoảng cách gần, không thể đọc chữ trên bảng đen hoặc biển hiệu ngoài đường, không đọc được chữ nhỏ trên sách, báo, có tiền sử phẫu thuật và điều trị bệnh mắt tuy nhiên thị lực không cải thiện....
Hồng Hải