Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần người thường
(Dân trí) - Chỉ với một hơi thuốc hít vào phổi, hàng trăm chất độc trong khói thuốc bắt đầu tấn công gây hại cho lá phổi. Đặc biệt, những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần trong đời, so với những người không hút thuốc.
Đây là những số liệu được đưa ra trong buổi mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá, sáng 26/5 tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi mít tinh, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y Tế, cho biết, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và các bệnh phổi tắc nghẽn, mãn tính. Trên thế giới, hàng năm có trên 90% tổng số người mắc ung thư phổi và 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là người hút thuốc lá.
Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Hút thuốc lá thụ động còn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm với trẻ em. Hút thuốc lá thụ động từ khi còn nhỏ có thể khiến trẻ phải gánh chịu hậu quả sức khỏe của nhiều bệnh tật của tuổi trưởng thành như: tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em tử vong trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới do hút thuốc lá thụ động.
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cũng thông tin, chỉ với một hơi thuốc hít vào phổi, hàng trăm chất độc trong khói thuốc bắt đầu tấn công gây hại cho lá phổi. Khói thuốc lá làm giảm chức năng phổi và khó thở do phù nề đường thở và tích tụ chất nhầy trong phổi. Đặc biệt, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần trong đời, so với những người không hút thuốc.
“Thuốc lá giết chết 8 triệu người mỗi năm, trong đó có một triệu nạn nhân vô tội do hút thuốc lá thụ động. Nếu bạn yêu bản thân và gia đình, quan tâm đến những người xung quanh, hãy ngừng hút thuốc”, ông Kidong Park nhấn mạnh.
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, rất nhiều người nghiện thuốc lá lâu năm, nghĩ rằng họ không thể bỏ thuốc lá. Tuy nhiên đó là quan điểm sai lầm. Ông Kidong Park kể, bản thân ông đã gặp một nghệ sỹ tên Đức, hút thuốc 7 năm nhưng khi được người yêu khuyên từ bỏ, nghệ sỹ này đã quyết tâm và bỏ thuốc thành công. “Câu chuyện của Đức dạy chúng ta nhiều điều. Cho dù bỏ thuốc lá rất khó nhưng nhiều người vẫn thành công khi họ có động lực mạnh mẽ. Ở đây, động lực mạnh mẽ, hơn bất cứ điều gì khác, chính vì sức khỏe của bạn và của gia đình, cộng đồng xung quanh”, ông Kidong Park nói.
Là một trong 3 đại sứ của chương trình năm nay, cầu thủ Quang Hải cho biết, bản thân anh và các cầu thủ trong đội tuyển Việt Nam đều không hút thuốc. “Để đảm bảo sức khỏe và phong độ thi đấu tốt nhất, chúng tôi đều ý thức được tác hại của thuốc lá và nói không với hút thuốc”, cầu thủ Quang Hải khẳng định. Anh cũng kêu gọi mọi người hãy cùng hành động, từ bỏ thuốc lá ngay hôm nay, để có cuộc sống khỏe mạnh và an toàn.
Kết thúc phần lễ mít tinh là phần biểu diễn nhảy flasmob của 500 sinh viên và hoạt động đi bộ của 1000 người nhằm hưởng ứng chiến dịch truyền thông năm 2019 với chủ đề: Cuộc sống không khói thuốc.
Trước đó, ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới muốn thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, nhất là các bệnh về phổi; đồng thời, kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời, giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Đặc biệt, các chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá nhằm tăng cường nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, từ các bệnh ung thư đến các bệnh hô hấp mạn tính và vai trò quan trọng của lá phổi khỏe mạnh đối với sức khỏe con người; kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ủng hộ các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Hằng năm, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25-5 đến ngày 31-5).