Người giành giật sự sống cho trẻ sơ sinh từ “thần chết” uốn ván

(Dân trí) - Từ trước tới nay, bệnh uốn ván ở người lớn, trẻ lớn đã khó điều trị, uốn ván trẻ sơ sinh lại càng khó hơn. Bệnh uốn ván rốn sơ sinh thường được xác định là “không còn khả năng cứu chữa”. Nhưng bác sỹ Nguyễn Văn Sơn thì nghĩ khác. Đã có hàng chục trẻ sơ sinh được ông cứu khỏi bản tay “tử thần” uốn ván rốn sơ sinh.

Người giành giật sự sống cho trẻ sơ sinh từ tử thần uốn ván

Hiện nay tình trạng nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh đã được kiểm soát do trẻ được tiêm phòng, tuyến y tế cơ sở được củng cố, dụng cụ cắt rốn, băng gạc được hấp sấy tiệt trùng. Tuy nhiên, hơn hai chục năm trở về trước, nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh là nỗi kinh hoàng của nhiều người dân Nghệ An. Vào thời điểm đó, những đứa trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván rốn được mặc định “vô phương cứu chữa”.

Theo số liệu chưa công bố chính thức từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thì từ trước thời điểm 1990, chưa có trường hợp nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh nào được cứu chữa thành công ở đây.

Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Lây - truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Lây - truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Năm 1990, hai trẻ sơ sinh đầu tiên bị nhiễm trùng uốn ván cuống rốn sơ sinh được cứu sống tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Đã 25 năm trôi qua nhưng bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Lây - Truyền nhiễm Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vẫn nhớ như in từng bệnh nhân.

“Đó là bệnh nhân Nguyễn Thị Quỳnh (7 ngày tuổi) và bệnh nhân Nguyễn Thị Duyên (5 ngày tuổi) đều ở huyện Nghi Lộc. Cả hai nhập viện với những triệu chứng đặc thù của nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh: co giật liên tục, đặc biệt là khi có kích thích dù là kích thích nhẹ, tăng tiết đờm dãi, cuống rốn bị nhiễm trùng”, bác sỹ Sơn nhớ lại.

Ròng rã gần 1 tháng trời, bác sỹ, y tá, điều dưỡng khoa gần như không một phút ngơi nghỉ để giành giật sự sống cho các bệnh nhi. Đó là những đêm thức trắng bởi chỉ cần bỏ sót một dấu hiệu nhỏ thôi là phải trả giá bằng chính mạng sống của những đứa trẻ bé bỏng. Ngày 2 bệnh nhi xuất viện, món quà tặng các y, bác sỹ là cái phích nước hay bộ ấm chén nhưng món quà lớn nhất là họ có được chính là bước qua được “lời nguyền” của căn bệnh này.

Bác sỹ Sơn cùng các đồng nghiệp đánh giá tình hình sức khỏe của một cháu bé bị nhiễm trùng rốn sơ sinh.
Bác sỹ Sơn cùng các đồng nghiệp đánh giá tình hình sức khỏe của một cháu bé bị nhiễm trùng rốn sơ sinh.

“Bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh hầu hết chưa đến 1 tuần tuổi, thể trạng yếu, sức đề kháng yếu, hơn nữa trong lịch sử y khoa chưa có 1 “liều lượng chuẩn dung thuốc an thần” nào cho các bệnh nhân. Bởi vậy chúng tôi phải căn cứ vào tình trạng và cơ địa của từng bé để có phương pháp điều trị. Đối với các bệnh nhi này, liều thuốc an thần không đủ sẽ không thể cắt cơn co giật nhưng chỉ cần quá liều một chút thôi thì bệnh nhi sẽ rơi vào hôn mê, dẫn đến tử vong.

Không những thế, liều lượng thuốc an thần cho bệnh nhân ở từng thời điểm cũng không hoàn toàn giống nhau. Người bác sỹ phải bằng kinh nghiệm và trực giác của mình để “cân đong” liều lượng cho bệnh nhân của mình. Đối với nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh thì quan trọng bậc nhất là phương pháp điều trị và liều lượng thuốc. Cái này phải gọi là “nghệ thuật” chữa bệnh mới đúng”, bác sỹ Nguyễn Văn Sơn tâm sự.

Trong một cuộc hội thảo về phương pháp điều trị trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván, họ ngạc nhiên khi bác sỹ Sơn cho xem những clips quay bệnh nhân uốn ván sơ sinh được chữa khỏi mà không cần thở máy. Theo bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, cần phải để trẻ co giật trong phạm vi cho phép nhằm tống hết các đờm dãi ra khỏi cổ, giảm thiểu nguy cơ bị tắc, bít đường thở của trẻ.

...hay hướng dẫn bố mẹ bệnh nhân châm sóc con khi bệnh nhân uốn ván sơ sinh chuẩn bị được xuất viện.
...hay hướng dẫn bố mẹ bệnh nhân châm sóc con khi bệnh nhân uốn ván sơ sinh chuẩn bị được xuất viện.

Nếu cái khó nhất của bác sỹ trong điều trị cho bệnh nhi nhiễm trùng uốn ván sơ sinh là liều lượng thuốc an thần thì người điều dưỡng lại phải gánh trọng trách trực tiếp chăm sóc bệnh nhân (vệ sinh cơ thể, hút đờm dãi, cho ăn). Khi nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh, bệnh nhi dễ bị co giật dù chỉ là một tác động rất nhỏ. Bởi vậy người điều dưỡng phải cực kỳ khéo léo và cẩn trọng trong việc vệ sinh cơ thể, cho trẻ ăn qua đường Sond bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ, trẻ co giật là nguy cơ bị co thắt gây tắc đường thở ngay lập tức. Đã có những hậu quả ngay cả khi bệnh nhân được xuất viện do người nhà không nắm vững kiến thức chăm sóc, khiến trẻ bị sặc dẫn đến tử vong.

1/4 thế kỷ chiến đấu với căn bệnh này, có nhiều khi chính bác sỹ Sơn phải “chiến đấu” với người nhà bệnh nhi để “giành” trẻ. Bác sỹ Sơn nhớ lại: “Nhiều nơi, các phụ huynh vẫn quan niệm trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván là coi như cầm chắc cái chết. Ngay như hồi cuối năm ngoái đây thôi, một cặp vợ chồng trẻ người Mông ở xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) kiên quyết đòi đưa cháu bé mới hơn 1 tuần tuổi về nhà. Lúc đó vừa phải giải thích, vừa động viên, thậm chí cả “dọa” báo công an để “giành” bệnh nhân. Sau gần 1 tháng điều trị, bệnh nhi đã được xuất viện về nhà trong tình trạng sức khỏe tốt”.

Cũng có lúc phương pháp “dọa” của bác sỹ Nguyễn Văn Sơn có tác dụng nhưng cũng có lúc chẳng “xi nhê” gì đối với người nhà bệnh nhân. Sau khi giải thích, động viên, năn nỉ lẫn dọa nạt cũng không được, bác sỹ Sơn đành phải để người nhà đưa bệnh nhân về. Rất may, ngày hôm sau, chính người nhà của bệnh nhi này lại đưa cháu xuống nhập viện và cháu bé may mắn giữ được tính mạng.

Bác sỹ Sơn thăm khám cho một bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Lây - Truyền nhiễm.
Bác sỹ Sơn thăm khám cho một bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Lây - Truyền nhiễm.

25 năm chiến đấu với căn bệnh nhiễm trùng uốn ván rốn, đã có hơn 30 trẻ sơ sinh được bác sỹ Nguyễn Văn Sơn và các đồng nghiệp tại Khoa Lây - Truyền nhiễm Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cứu khỏi lưỡi hái tử thần. Số liệu thống kê chưa đầy đủ thì tỷ lệ thành công đạt gần 90%. Đó là con số đáng mơ ước với bất kỳ người thầy thuốc nào.

Tuy nhiên, cũng có những khi, những người thầy thuốc ở đây phải bất lực trong cuộc chiến giành giật sự sống cho các bệnh nhi sơ sinh. Nén nỗi buồn xuống, họ lại cùng nhau phân tích để xem nguyên nhân nằm ở khâu nào, từ những người điều trị hay từ người nhà bệnh nhân. Mỗi kinh nghiệm được rút ra từ những thất bại luôn khiến họ day dứt nhưng chính nỗi đau của mình.

“Hạnh phúc nhất là sau khi điều trị bệnh nhân uốn ván không hề để lại di chứng. Các cháu lớn lên, phát triển, học hành bình thường. Những bệnh nhân của tôi nhiều cháu đã trở thành kỹ sư, cử nhân, có cháu đã lập gia đình. Vui nhất là bệnh nhân và gia đình bệnh nhân vẫn đi lại với bác sỹ, y tá, điều dưỡng của khoa như người thân trong gia đình”, bác sỹ Sơn tâm sự.

Hoàng Lam