Bạc Liêu:
Người dân “truy” lãnh đạo tỉnh vấn đề Bảo hiểm y tế
(Dân trí) - Nhiều người dân tỉnh Bạc Liêu đã “truy vấn” lãnh đạo tỉnh này về công tác Bảo hiểm y tế, tình trạng quá tải ở bệnh viện. Trả lời người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng "day dứt" khi có những khó khăn chung, tỉnh không thể làm khác nên chỉ biết..."mong bà con thông cảm".
Tại phiên trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND tỉnh Bạc Liêu trong kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa VIII diễn ra ngày 11/12, lĩnh vực Bảo hiểm y tế (BHYT), tình trạng quá tải ở bệnh viện được đông đảo người dân quan tâm.
Ông Lê Minh Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thay mặt UBND tỉnh trả lời người dân. Trong phần trả lời của mình, ông Phó Chủ tịch tỉnh cũng "day dứt" khi có nhiều kiến nghị nhưng vì quy định, khó khăn chung nên tỉnh không thể thực hiện khác được nên nhiều lần chỉ biết "mong bà con thông cảm”.
“Mong bà con thông cảm” từ công tác Bảo hiểm y tế….
Theo người dân ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu) phản ánh, năm 2015, tất cả các hộ dân sinh sống trên địa bàn xã đều được Nhà nước hỗ trợ BHYT theo Quyết định 539 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, từ năm 2016 người dân không biết có được tiếp tục thụ hưởng chính sách này?. Trong khi đó, người dân ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) cho rằng, hiện nay người dân tộc Khmer của tỉnh Sóc Trăng được cấp BHYT, tại sao người dân tộc Khmer tỉnh Bạc Liêu không được cấp?
Ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, theo quy định và chính sách về BHYT thì tất cả người dân đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% BHYT. Theo Quyết định số 539 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015, tỉnh Bạc Liêu có 8 xã thuộc diện này (gồm xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A của huyện Hoà Bình; xã An Phúc, Điền Hải, Long Điền Tây, Long Điền Đông của huyện Đông Hải và xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông của TP Bạc Liêu). Đến nay, tỉnh đã cấp 170.934 thẻ BHYT cho người dân đang sinh sống tại 8 xã nêu trên.
Theo ông Chiến, theo Quyết định số 539 của Thủ tướng Chính phủ thì các chính sách đối với 8 xã được phê duyệt nêu trên thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2015. Trong thời gian tới (từ năm 2016 trở đi), Trung ương sẽ hướng dẫn rà soát lại ở các địa phương, nếu xã nào được tiếp tục công nhận xã đặc biệt khó khăn thì các hộ dân sinh sống trên địa bàn sẽ được tiếp tục hỗ trợ BHYT theo chính sách quy định. Về vấn đề này, ông Chiến cho biết, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị các Bộ ngành Trung ương tiếp tục giữ 8 xã nêu trên của tỉnh trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển giai đoạn tiếp theo để người dân được hưởng các chính sách theo quy định.
Với việc cấp BHYT cho người dân tộc Khmer, ông Lê Minh Chiến cho biết, theo quy định và chính sách BHYT thì Nhà nước hỗ trợ 100% BHYT đối với các đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người đang sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính sách này là quy định chung trên cả nước. Đối với tỉnh Bạc Liêu, hiện nay có tổng cộng 30 đơn vị cấp xã (trong đó có xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) và 4 ấp được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Do đó, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các địa bàn này sẽ được hưởng chế độ Nhà nước hỗ trợ 100% BHYT.
Nhiều người dân ở huyện Vĩnh Lợi cũng kiến nghị đến UBND tỉnh cho họ tham gia BHYT tự nguyện được đăng ký khám bệnh ban đầu tại BVĐK tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh đó, người dân cũng yêu cầu xem xét lại việc mua BHYT tự nguyện, không nên bắt buộc phải mua cho cả hộ gia đình.
Trước các kiến nghị trên của người dân, ông Lê Minh Chiến cho biết, theo quy định thì người tham gia BHYT được đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; chỉ có một số nhóm đối tượng được đăng ký khám chữa bệnh tại BVĐK tỉnh Bạc Liêu. Ông Chiến cho rằng, quy định này nhằm hạn chế và khắc phục dần tình trạng quá tải của BVĐK tỉnh và đảm bảo thực hiện điều trị theo phân tuyến kỹ thuật chuyên khoa. Ông Chiến cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư thêm trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện tuyến huyện, các Trạm y tế xã để nâng cao chất lượng công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân ở tuyến cơ sở, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho người dân.
Về việc mua BHYT tự nguyện, theo ông Lê Minh Chiến, theo Luật BHYT sửa đổi năm 2014, từ 1/1/2016 trở đi, toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện BHYT theo hộ gia đình, tuy nhiên, mức đóng sẽ được giảm dần. Cụ thể: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai bằng 70%, thứ ba bằng 60%, thứ tư bằng 50% mức đóng của người thứ nhất và từ người thứ năm trở đi mức đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Đồng thời, quy định cũng cho phép việc đóng bảo hiểm được chia thành đợt đóng theo quý, 6 tháng hoặc cả năm, tùy lựa chọn của người tham gia BHYT.
Theo ông Chiến, đối với số hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32 quy định hỗ trợ 30% mức đóng BHYT đối với hộ. Đối với các hộ dân không thuộc trong các nhóm đối tượng hỗ trợ thì khi tham gia BHYT tự nguyện phải thực hiện theo quy định tham gia cả hộ gia đình. “Đây là quy định chung do Quốc hội quy định, tỉnh không thể thực hiện khác được, mong bà con cử tri thông cảm”, ông Chiến nói.
Liên quan đến việc khám chữa bệnh tại BVĐK tỉnh Bạc Liêu, người dân phản ánh, bệnh nhân có BHYT nhập viện điều trị đã lâu nhưng không khỏi, gia đình xin chuyển tuyến trên, BVĐK tỉnh không cho chuyển, làm ảnh hưởng quyền khám và điều trị bệnh của bệnh nhân. Người dân cũng bức xúc, bệnh nhân nhập viện cấp cứu vào ban đêm không có giấy chuyển viện, gia đình đã bổ sung giấy chuyển viện vào sáng ngày hôm sau và bệnh nhân đã được chuyển lên Khoa khác. Tuy nhiên, BVĐK tỉnh không cho thanh BHYT với lý do phải nằm tại Khoa Cấp cứu mới được thanh toán, đề nghị UBND tỉnh cho làm rõ các vấn đề này?
Trả lời phản ảnh về việc BVĐK tỉnh không cho chuyển viện, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Minh Chiến cho biết: hiện nay có nhiều bệnh phải điều trị lâu dài, thậm chí suốt đời như suy thận mãn, tiểu đường, cao huyết áp, thoái khớp, di chứng tai biến mạch máu não,...Theo phân tuyến điều trị (có thanh toán BHYT) hiện nay, những bệnh này thuộc điều trị của BVĐK tỉnh, nếu chuyển lên tuyến trên điều trị thì sẽ không được thanh toán BHYT. Theo ông Chiến, người dân có yêu cầu chuyển lên tuyến trên điều trị thì sẽ được giải quyết, song việc thanh toán BHYT thì phải căn cứ theo quy định về loại bệnh theo phân tuyến điều trị.
Trường hợp người tham gia BHYT bị bệnh phải cấp cứu vào ban đêm, ông Lê Minh Chiến cho biết, bệnh nhân không có giấy chuyển viện thì vẫn được thanh toán BHYT theo quy định (kể cả ngày hôm sau có nằm tại Khoa Cấp cứu hay đã chuyển sang các Khoa khác), với điều kiện phải bổ sung giấy chuyển viện và các giấy tờ khác có liên quan trước khi xuất viện. Về việc này, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo xem xét, giải quyết theo đúng quy định.
Người dân cũng đề nghị BHYT đối với người có công, khi điều trị kỹ thuật cao thì được hưởng 100%, không phải đóng thêm tiền? Bên cạnh đó, người dân cũng đề nghị mua BHYT cho tất cả cán bộ ấp vì hiện nay mỗi ấp chỉ có 3 cán bộ được hỗ trợ BHYT?
Trước các kiến nghị trên, ông Lê Minh Chiến cho rằng, theo quy định và chế độ thanh toán BHYT hiện hành thì đối tượng người có công được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh đối với dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. “Tuy nhiên, đối với trường hợp bệnh phải sử dụng thuốc ngoài doanh mục quy định của Bộ Y tế hoặc vật tư y tế đặc thù không có trong Danh mục vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT thì người bệnh phải thanh toán từ 30% hoặc 50%. Đây là quy định chung của BHYT, rất mong bà con thông cảm”, ông Chiến chia sẻ.
Cũng theo ông Chiến, theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 32 của UBND tỉnh, người hoạt động không chuyên trách ở ấp được ngân sách tỉnh hỗ trợ đóng 2/3 BHYT, cá nhân đóng 1/3 theo mức đóng BHYT tự nguyện; số lượng người được hỗ trợ tại ấp là không quá 3 người. “Theo quy định nêu trên và trong điều kiện hiện nay, UBND tỉnh chưa thể hỗ trợ cho tất người hoạt động không chuyên trách ở ấp mua BHYT, mong bà con thông cảm”, Phó Chủ tịch tỉnh nhắn nhủ.
…đến tình trạng quá tải ở bệnh viện
Theo người dân ở TP. Bạc Liêu phản ánh, tình trạng buôn bán hàng rong trong BVĐK tỉnh Bạc Liêu thường xuyên xảy ra đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến việc nằm điều trị bệnh của người dân tại đây. Tỉnh có biện pháp nào để chấn chỉnh tình trạng này?
Phó Chủ tịch tỉnh Lê Minh Chiến cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế, BVĐK tỉnh tổ chức bố trí lực lượng bảo vệ của BV kết hợp với lực lượng Công an Phường 3 quản lý an ninh trật tự trong khuôn viên BV nhằm để người bệnh và thân nhân an tâm điều trị bệnh. Theo ông Chiến, biện pháp này bước đầu đã đạt được kết quả khá tốt, tình trạng mất an ninh trật tự hầu như không còn, tình trạng bán hàng rong trong khuôn viên BV cũng giảm, không còn lộn xộn như trước đây. Tuy nhiên, ông Chiến nhìn nhận, do điều kiện khách quan như mặt bằng BV rộng, số lượng người bệnh và thân nhân ra vào đông và hiện nay hàng rào quanh BV chưa bao kín nên việc quản lý còn rất nhiều khó khăn, tình trạng bán hàng rong vẫn còn diễn ra lén lút trong BV vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Trước mắt, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường quản lý an ninh trật tự để chấn chỉnh lại tình trạng này.
Về tình trạng quá tải ở BV, nhiều người dân ở huyện Vĩnh Lợi bức xúc, bệnh nhân nhập viện không có giường để nằm, phải nằm ngoài hành lang BV, nhưng BV vẫn ra phiếu thu tiền giường đã “làm khó” người dân. Đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét có giải pháp?
Với phản ánh trên, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Minh Chiến lý giải, do nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong tỉnh ngày càng tăng, đồng thời BVĐK tỉnh Bạc Liêu còn khám và điều trị cho các bệnh nhân ở các địa bàn lân cận là Sóc Trăng và Cà Mau, đã tạo thêm áp lực khám và điều trị bệnh rất lớn, cả ở khu ngoại trú lẫn khu nội trú.
Ông Chiến thừa nhận, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, giải pháp như tăng nguồn lực và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ khám và điều trị, nhưng tình trạng quá tải tại BVĐK tỉnh vẫn còn. Vào một số thời điểm bệnh nhân quá đông, BV buộc phải giải quyết nằm ghép giường, những trường hợp không thể nằm ghép thì BV sắp xếp cho nằm trên giường chuyển bệnh hoặc ghế bố và BV luôn cố gắng sắp xếp không để người bệnh nào phải nằm ghép quá 48 giờ. “Đây là vấn đề bất khả kháng, rất mong bà con nhân dân thông cảm”, ông Chiến nói.
Với phản ánh về việc thu “tiền giường” trong khi không nằm trên giường bệnh, ông Lê Minh Chiến phân trần, khi người bệnh nhập viện điều trị nội trú thì phải đóng tiền ngày giường điều trị, trong đó cơ cấu giá bao gồm các chi phí như điện, nước, vật dụng vệ sinh buồng bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý chất thải,...chứ không phải chỉ có tiền “thuê cái giường”. Do đó, khi gặp trường hợp bất khả kháng không còn giường cho bệnh nhân nằm, buộc phải nằm ghép hoặc nằm trên giường chuyển bệnh... thì BV vẫn phải chi phí cho các khoản chi nêu trên, nên việc thu tiền ngày giường điều trị là đúng quy định. “Khi gặp phải các trường hợp này, rất mong bệnh nhân thông cảm và chia sẻ với khó khăn chung của ngành y tế tỉnh”, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Minh Chiến tiếp tục nhắn nhủ.
Huỳnh Hải