Người đàn ông nguy kịch vì khối u to bằng đầu sắp "nổ tung" dưới miệng
(Dân trí) - Khối u của người đàn ông lớn khủng khiếp dưới xương hàm, phình lên như chiếc đầu thứ hai bị lở loét ra khiến các bác sĩ có lúc tưởng chừng bất lực trong cuộc mổ.
10 năm trước, ông L.Q.K. (54 tuổi, ngụ TP.HCM) được chẩn đoán mắc khối u không rõ nguyên nhân ở vùng xương hàm dưới. Theo thời gian, bệnh diễn tiến nặng, khối u ngày càng phát triển với trọng lượng nặng tới 1kg và luôn căng tức, nhiều dấu hiệu hoại tử đã xuất hiện.
Tưởng bất lực vì không tìm được đường thở
Cách đây vài ngày, khối u bắt đầu lở loét và dịch mủ không ngừng tuôn trào. Tiếp nhận người bệnh trong tình trạng khối u đã vỡ, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung cùng ekip điều trị tại bệnh viện thẩm mỹ xác định phải tiến hành cấp cứu gấp.
Đúng 6h sáng, cuộc phẫu thuật bắt đầu. Các bác sĩ thực hiện đo vẽ để xác định trước các đường mạch máu, dây thần kinh để tránh mổ phạm, làm tổn hại bệnh nhân. Do khối u khổng lồ nằm chèn ngang cổ, một nhân viên điều dưỡng trong ekip buộc phải là điểm tựa đầu xuyên suốt tránh trường hợp bệnh nhân bị khó thở.
Từ những đường mổ đầu tiên, toàn bộ ekip đều nín thở vì không biết điều đang chờ đợi mình phía trước là gì. Khối u đã phát triển quá lâu, bên trong có thể là một khối máu đông khổng lồ hoặc tiềm ẩn mô thịt, thậm chí là xương hoại tử.
Gần 100 miếng gạc y tế cũng không đủ để ngăn máu chảy xối xả trên vùng mặt bệnh nhân. Thử thách đến song song giữa việc cầm máu và đặt nội khí quản gây mê.
Một mặt, điều dưỡng trong ca mổ phải gánh áp lực không để chảy máu quá nhiều, mặt khác phải cố tìm đường đặt nội khí quản càng sớm càng tốt. Mạch máu nằm ngay vị trí trung tâm của hàm dưới, chèn vào tận khí quản bệnh nhân.
Lúc này, người chịu trách nhiệm chính của ca mổ quyết định chỉ đạo ekip tiến hành úp mặt nạ bơm oxy qua miệng trước, dùng gạt chèn ép cầm máu cũng như đặt ngay nội khí quản. Nhưng khối u nặng gần 1kg đã chèn ngang đường thở bệnh nhân, gây khó khăn cho việc đặt nội khí quản.
Thời gian trôi đi, chỉ số Spo2 (oxy máu) của bệnh nhân đã tụt xuống từ 90% xuống 60%, huyết áp hạ rất thấp và điện tim mờ dần, dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân đang cực kỳ nguy kịch.
Ngay lúc cả ekip cảm giác như rơi vào bế tắc nhất, Trưởng khoa Gây mê hồi sức vỡ òa thông báo, đã tìm được đường vào thanh môn để đặt nội khí quản thành công.
Khi huyết áp và các chỉ số trở lại bình thường, bệnh nhân được nhân viên y tế tiêm trực tiếp dịch truyền, adrenaline khẩn cấp. Bệnh nhân cũng được truyền 4 đơn vị máu vì đã mất máu quá nhiều.
6 tiếng ròng rã lấy khối u sắp "nổ tung"
Ròng rã suốt 6 tiếng đồng hồ, các bác sĩ cắt lọc từng khối hoại tử, từng đoạn xương thối rữa, phẫu trường ngập trong một vũng máu đỏ tươi. Chỉ cần một đường cắt sai trúng vào dây thần kinh, cơ mạch máu, bệnh nhân có thể liệt mặt cả đời hoặc thậm chí mất mạng.
Cuối cùng, ca mổ cũng thành công, loại bỏ khối u khổng lồ đeo bám bệnh nhân suốt 10 năm.
Các bác sĩ chia sẻ, cuộc mổ diễn ra là sự đấu tranh tâm lý rất lớn của các thành viên thực hiện. Khối u rất lớn đã hoại tử, lở loét, bệnh nhân lại có tiền sử nhiều bệnh nền kèm tiểu đường nặng, suy thượng thận, phổi xơ hóa… sức khỏe suy kiệt, do đó tồn tại rất nhiều rủi ro nếu phẫu thuật.
Dù vậy nhìn cảnh khối u to bằng cái đầu sắp "nổ tung", khiến bệnh nhân ăn uống vô cùng khó khăn, bất lực vì cái nghèo và đang dần lâm nguy, các bác sĩ đã quyết tâm thực hiện và thành công.
Qua kết quả giải phẫu bệnh, ông K. được chẩn đoán mang khối u nguyên bào men (Ameloblastoma). Đây là loại u lành tính nhưng phát triển, xâm lấn âm thầm, gây biến dạng mặt nghiêm trọng. Khi phát triển đến giai đoạn nặng, u có thể phá hủy xương hàm, làm gãy xương bệnh lý và ảnh hưởng đến các dây thần kinh quan trọng.
Vì u men có tỷ lệ tái phát cao sau điều trị, nên bệnh nhân cần theo dõi tái khám định kỳ để kịp thời can thiệp.