Người đàn ông bỗng to chân gấp 5 lần vì căn bệnh hiểm có thể gây tử vong

Hoàng Lê

(Dân trí) - Chỉ trong 2 tuần lễ, chân của người đàn ông bỗng sưng to gấp 5 lần bình thường. Qua kiểm tra tại phòng khám Lồng ngực - Mạch máu, các bác sĩ xác định ông mắc căn bệnh nguy hiểm, đã ở giai đoạn nặng.

Đó là trường hợp của ông N.V.L. (72 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre). Gần đây, ông đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám trong tình trạng chân trái sưng rất to và đau nhiều.

Khai thác bệnh sử, trước đó 2 tuần, chân của ông L. đã có dấu hiệu sưng nhưng ông không đi khám ngay. Mãi đến khi tình trạng không thuyên giảm, ông đi khám thì chân đã sưng to gấp 4-5 lần so với bình thường.

Tại phòng khám Lồng ngực - Mạch máu, qua kiểm tra, các bác sĩ đánh giá bệnh của ông L. đã ở vào giai đoạn trễ, tiến triển nặng. Bác sĩ thực hiện ngay đánh giá bệnh lý tĩnh mạch, chỉ định siêu âm và chụp CT mạch máu cho bệnh nhân.

Kết quả cho thấy, ông L. có huyết khối tĩnh mạch sâu chân trái kèm hẹp tĩnh mạch chậu. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật lấy huyết khối, đặt stent nong tĩnh mạch chậu. Hậu phẫu, chân ông L. giảm sưng rõ rệt, được xuất viện sau 1 tuần theo dõi. Dù vậy, ông phải tiếp tục điều trị nội khoa bằng thuốc kháng đông, tái khám mỗi 2 tuần/lần để đánh giá tình trạng huyết khối.

Người đàn ông bỗng to chân gấp 5 lần vì căn bệnh hiểm có thể gây tử vong - 1

Một nam bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (Ảnh: BV).

Giáo sư Trương Quang Bình, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, có 3 nguyên nhân hình thành huyết khối tĩnh mạch (còn gọi là "tam chứng Virchow") bao gồm: Tình trạng tổn thương thành mạch máu, rối loạn quá trình đông máu gây tăng đông và ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch. Người có ít nhất một trong các yếu tố nêu trên là đối tượng có nguy cơ bệnh cao.

TS.BS Lê Phi Long, Phó trưởng khoa Lồng ngực mạch máu của bệnh viện cho biết, nếu yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (TTHKTM) là thoáng qua, người bệnh chỉ cần điều trị trong thời gian ngắn. Ngược lại, người bệnh có các yếu tố nguy cơ cao (ung thư giai đoạn cuối, thực hiện hóa trị, tăng đông máu bẩm sinh...), việc điều trị có thể kéo dài trong nhiều năm hoặc suốt đời.

Đặc biệt, TTHKTM dễ xảy ra ở người bệnh đột quỵ. Tỷ lệ TTHKTM trong 3 tháng đầu sau đột quỵ thường cao nhất, trong đó thuyên tắc ở chi sẽ thường gặp hơn (1-10%), kế đến là thuyên tắc phổi (1-3%). Nếu không được dự phòng và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Cũng theo TS.BS Long, tỷ lệ mắc bệnh trên ở người điều trị nội khoa là 10-12%. Do đó, trong vòng 24 giờ đầu ngay sau khi nhập viện, người bệnh cần được đánh giá nguy cơ TTHKTM. Từ đó, Bác sĩ có thể đưa ra quyết định điều trị dự phòng phù hợp cho từng người bệnh.

Người đàn ông bỗng to chân gấp 5 lần vì căn bệnh hiểm có thể gây tử vong - 2

Một trường hợp có huyết khối lan từ chân đến tĩnh mạch chủ dưới trong bụng (Ảnh: BV)

Thuốc kháng đông là phương pháp điều trị dự phòng TTHKTM phổ biến dành cho cả người bệnh điều trị nội khoa và ngoại khoa. Tùy theo thể trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc dạng tiêm hay dạng uống với liều lượng phù hợp.

Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng song song các phương pháp điều trị khác, như thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, mang vớ bơm hơi ngắt quãng. Trong trường hợp có nguy cơ TTHKTM kèm khả năng chảy máu cao, đặt lưới lọc tĩnh mạch là phương pháp dự phòng được áp dụng.

TS.BS. Lê Phi Long cho biết, để đạt được hiệu quả điều trị dự phòng tối đa và hạn chế các biến chứng do TTHKTM, người bệnh cần tuân thủ việc sử dụng thuốc kháng đông, chủ động theo dõi các biến chứng hoặc tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc. Ngoài ra, cần tái khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa để kịp thời phát hiện, xử trí kịp thời những tình trạng bất thường.