Người chồng gây stress cho vợ còn nhiều hơn cả con cái

(Dân trí) - “Trẻ con” trong cách cư xử; thiếu sự san sẻ trong các công việc nhà; mâu thuẫn trong mối quan hệ với con cái là những yếu tố gây stress hàng đầu, mà người chồng đang gây ra cho vợ của mình.

Trong tuyệt đại đa số các trường hợp, những người phụ nữ đã kết hôn sẽ chịu stress nhiều hơn hẳn phụ nữ độc thân. Stress khiến những người vợ thường xuyên cảm thấy đau đầu, mệt mỏi và dễ nổi nóng. Điều ngạc nhiên là một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người chồng gây stress cho vợ mình còn nhiều hơn cả con cái, kết quả này thậm chí còn chưa tính đến việc người chồng lăng nhăng hay vũ phu.

Người chồng gây stress cho vợ còn nhiều hơn cả con cái - 1

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đàn ông chưa thực sự trưởng thành cho đến khi họ 43 tuổi. “Sự trẻ con” này không chỉ biểu hiện qua hành động, thái độ với một sự việc mà còn cả cách họ tương tác với những đứa trẻ. “Một người đàn ông 35 tuổi mà hành động không khác gì đứa trẻ 7 tuổi sẽ gây stress nhiều hơn cả một đứa trẻ 7 tuổi” – Đại diện nhóm tác giả của nghiên cứu trên nhấn mạnh.

 Trong chuyện chăm con, những ông bố thường được gắn liền với hình ảnh những chuyến đi chơi, những ý tưởng nghịch ngợm, thú vị, một người bạn “vui vẻ” thường nuông chiều và cho phép con cái làm mọi thứ. Ngược lại, người mẹ thường đi cùng với sự nghiêm khắc, cấm đoán, kỷ cương, các bài học… Chính sự đối lập trong mối quan hệ với con cái đôi khi lại dẫn đến xung đột giữa vợ và chồng, điều này cũng là yếu tố gây nên stress cho người phụ nữ trong gia đình.

Người chồng gây stress cho vợ còn nhiều hơn cả con cái - 2

Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, cứ 5 người phụ nữ lại có 1 người cảm thấy việc không nhận được sự san sẻ đúng mực trong công việc nhà từ chồng mình là một trong những nguyên nhân gây stress hàng đầu của họ. Trong khi phụ nữ phải dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi của mình để nấu nướng, dọn dẹp, cân đối chi tiêu, mua các nhu yếu phẩm, thanh toán hóa đơn… đàn ông, trong không ít trường hợp, chỉ ngồi thừ trên ghế sofa và xem TV sau giờ tan làm. Trên thực tế, những công việc nhà “không tên” này lại là nhân tố cực kì quan trọng để duy trì nền móng vững chắc cho một gia đình nhưng lại không hề được xem trọng.  

Khoa học đã chứng minh, làm việc nhà có thể gây stress (cho cả 2 giới) nhiều hơn cả công việc văn phòng. Do đó, trong trường hợp người vợ vừa đi làm, vừa phải một mình cáng đáng hết những nhiệm vụ này, áp lực đè lên vai họ dường như nhân đôi.

Như đã đề cập ở trên, trong trường hợp người đàn ông không cùng vợ mình cáng đáng công việc nhà, một người phụ nữ sẽ chỉ còn lại rất ít thời gian rảnh rỗi, bởi họ sẽ vừa phải làm việc ở cơ quan vào ban ngày, vừa phải làm việc nhà và chăm lo cho các thành viên trong gia đình vào ban đêm. Khi thời gian rảnh rỗi trở nên quá ngắn, con người sẽ đối mặt với tình trạng “stress thời gian”.

Là người đảm nhiệm chính những công việc nhà và săn sóc chồng con, người phụ nữ thường dễ cảm thấy có lỗi nếu có bất kì vấn đề gì xảy ra với những nhiệm vụ này. Trong trường hợp đó, phụ nữ cũng thường có xu hướng tự nhận hết mọi trách nhiệm về phần mình, mà ít khi nghĩ đến trách nhiệm của người chồng. Và theo các chuyên lý học, cảm giác tội lỗi cũng chính là một trong các nguyên nhân gây ra stress.

Minh Nhật

Theo BS