1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người bệnh nằm “xếp lớp”, Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 “ì ạch”

(Dân trí) - Cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng quá tải kinh hoàng người bệnh đã diễn ra lâu nay. Tuy nhiên, sau 1 năm khởi công, tiến độ xây dựng mới đạt 45% kế hoạch, việc hoàn công sau 18 tháng đã “lỗi hẹn” nguy cơ kéo dài thêm.

Thông tin từ Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM cho hay, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp giảm tải như phối hợp công - tư, xây dựng khoa vệ tinh tại nhiều bệnh viện nhưng tình trạng quá tải bệnh nhân ung bướu ngày càng nan giải.

Hiện bệnh viện Ung Bướu (đóng trên địa bàn quận Bình Thạnh) có khoảng 700 giường nhưng mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 1.500 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 - 3.000 bệnh nhân đến điều trị ngoại trú. Nhiều người bệnh cần nhập viện nhưng không còn chỗ nằm.

Quá tải bệnh nhân ung bướu lâu nay đã trở thành nỗi đau của ngành y tế
Quá tải bệnh nhân ung bướu lâu nay đã trở thành "nỗi đau" của ngành y tế

Dù đã kê thêm giường, song bệnh nhân quá đông, lâu nay mỗi giường luôn phải nằm ghép. Nếu những khoa điều trị cho người lớn ghép ít nhất 2 người thì khoa bệnh trẻ em phải ghép từ 3 đến 4 trẻ. Giường bệnh không còn chỗ, bệnh nhân phải nằm cả... dưới gầm giường để được điều trị. Không chỉ người bệnh khổ mà ngay cả các bác sĩ cũng chịu nhiều áp lực.

Giảm quá tải bệnh nhân ung bướu tại TPHCM nói riêng và khu vực các tỉnh phía Nam nói chung tại bệnh viện tuyến cuối để tăng chất lượng điều trị đã trở thành vấn đề nóng của ngành y tế và các ban ngành liên quan. Sau rất nhiều năm “trục trặc” trong đấu thầu, thay đổi chủ đầu tư, điều chỉnh kinh phí và thời gian thi công, cuối tháng 6/2016 Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 (quận 9, TPHCM) chính thức động thổ.

Đây là bệnh viện chuyên khoa hiện đại hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Là một trong những dự án trọng điểm về y tế tại TPHCM được thiết kế với quy mô 1.000 giường gồm 10 tầng lầu, 2 tầng hầm, có bãi đáp trực thăng trên sân thượng. Tại lễ khởi công, ông Võ Văn Bé, Tổng Giám đốc Công ty Thuận Việt (đại diện đơn vị thi công là liên danh nhà thầu Thuận Việt - Era E&C) khẳng định, sau 18 tháng (tức tháng 12/2017) công trình sẽ hoàn tất, đưa vào sử dụng.

Sự chậm trễ của công trình sẽ khiến nhiều người bệnh mất đi cơ hội điều trị
Sự chậm trễ của công trình sẽ khiến nhiều người bệnh mất đi cơ hội điều trị

Sau “lời hứa” trên của nhà thầu, phía Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM cũng “chạy đua” với thời gian, đào tạo 300 bác sĩ cán bộ, nhân viên y tế sẵn sàng cho ngày khai trương, phục vụ người bệnh. Các gói trang thiết bị y tế hiện đang được Bộ Y tế khẩn trương thẩm định cấu hình. Nhưng khác với sự rốt ráo của các bên liên quan đơn vị thi công lại thể hiện sự “ì ạch”.

Ngày 30/5/2017, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND thành phố đã đích thân đến kiểm tra tiến độ xây dựng. Tại thời điểm kiểm tra, công trình mới chỉ xây xong phần thô đến tầng thứ 9. Báo cáo trước Phó chỉ tịch thành phố, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế, trình bày một số khó khăn do tác động của các yếu tố khách quan của thời tiết nên công trình sẽ chậm tiến độ khoảng 3 tháng so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến, đến ngày 20/6/2017 sẽ cất nóc, hoàn thành xây dựng phần bê tông cốt thép.

Đến nay, đã sang tháng 7/2017 lễ cất nóc công trình vẫn chưa diễn ra. Trong khi đó, báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của Sở Y tế thành phố về việc xây dựng cơ sở hạ tầng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ y tế thực hiện giảm tải khẳng định, đến ngày 20/6 tiến độ thi công bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 (phường Tân Phú, quận 9) mới đạt 45% kế hoạch. Với tiến độ trên, mục tiêu “chia lửa” giảm quá tải bệnh nhân, nâng cao chất lượng điều trị của Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 còn xa, sẽ có những người bệnh sẽ không đủ sức chờ đợi.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm