Ngổn ngang một đêm trắng ở viện

(Dân trí) - Tiếng còi cứu thương rú lên liên hồi. Tiếng phanh xe lẫn tiếng bánh chiếc băng ca kéo kin kít trên nền gạch. Bỏ xa Hà Nội đêm với phố phường vẫn còn đang ồn ã náo nhiệt, tôi “bám đuôi” chiếc xe cứu thương vào bệnh viện Bạch Mai.

Địa chỉ: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe tỉnh Hà Giang
Dấu hiệu để nhận biết bệnh viện là tấm bảng hiệu sáng trưng kia

23h đêm. Quầy thuốc “24/24h mở cửa” sáng trưng ánh đèn. Tòa nhà A9 với các chuyên khoa Cấp cứu, Trung tâm chống độc, Khoa thận nhân tạo nhộn nhịp băng ca vào ra và gấp gáp bước chân ngược xuôi. Tiếng sụt sùi nức nở xen lẫn những tiếng não ruột thở dài, bồn chồn lo lắng. Ngay dưới chân cột đèn và lối hành lang nhỏ hẹp trước tòa nhà A9, những chiếc chiếu được trải ra san sát, kẻ nằm, người ngồi phấp phỏm không yên.

 

Thấy tôi dơ máy lên chụp, một anh đang “ngự” trên chiếc chiếu đơn lên tiếng: “Để trải được mảnh chiếu ở góc hành lang bé xíu này cũng phải chiếm chỗ từ cuối giờ chiều đấy. Ban ngày bảo vệ họ không cho nằm nghỉ ở hành lang vì mất thẩm mỹ, muốn nghỉ thì ra vườn hoa, dưới gốc cây. Tối họ mới cho vào để tránh sương. Tôi có vợ nằm chạy thận nhân tạo ở tầng trên nhưng không được vào. Đành nằm đây chờ đổi phiên cho một người nhà đang trực trên đấy”.

 

Có chiếc băng ca cấp cứu bệnh nhân vừa được kéo tuột vào sau cánh cửa kính, tôi nhanh chân bám theo sau. Vừa rảo được hai bước, ngay lập tức tôi bị một anh bảo vệ gác cửa trong bộ đồng phục sắc lạnh chặn lại: “Mỗi người bệnh cấp cứu chỉ được một người nhà vào, còn lại ở ngoài hết. Ai vào thì nhanh mượn khẩu trang vô trùng rồi làm thủ tục nhập viện cho bệnh nhân”. “Tôi… Tôi… tôi…”. Tôi chưa kịp nói hết câu thì anh bảo vệ chỉ tay: “Nếu chị là đại diện thân nhân thì ra ô cửa kia đăng ký. Còn những người khác ra ngoài chờ. Đây là khoa đặc biệt phải đảm bảo vệ sinh và không gian cho bác sỹ cứu người. Chị muốn người nhà chị được sống hay…”. Anh ta bỏ lửng câu nói và đóng cánh cửa kính lại.

 

Tôi vội vàng liếc vào bên trong, khoa Cấp cứu sáng choang với những dãy băng ca biến thành những chiếc giường di động kéo dài. Trên mỗi băng ca là một bệnh nhân vừa được đưa vào cấp cứu. Tiếng máy thở, máy monitơ đua nhau gấp gáp vọng ra, gấp gáp ganh đua giữa sự sống và cái chết. Đêm cũng như ngày, Khoa được bảo vệ nghiêm ngặt trong không khí làm việc căng như sợi dây đàn. Ở đây, “giấc ngủ” dường như không hiện diện trong cuộc sống của cả thầy thuốc và bệnh nhân. Hoạ chăng là những bệnh nhân mê man nằm yên trên chiếc băng ca bệnh viện. Mà những người đó lại đang được mong được tỉnh lại biết chừng nào.

 

Biết là không thể vượt qua anh bảo vệ để vào “tận mục sở thị” bên trong khoa Cấp cứu, tôi đành chuyển bước sang dãy nhà Tim Mạch kế bên. Lần này rút kinh nghiệm, để vượt qua được anh bảo vệ chốt chặn vô số thân nhân người bệnh đang đứng- ngồi- nằm chờ bên ngoài dãy hành lang trước cửa tòa nhà, tôi gọi điện nằn nì một người quen đi chăm sóc bệnh nhân bên trong khoa để cầu viện “đổi ngôi”, đóng vai thân nhân người bệnh mà “đột nhập” vào bên trong.

 

Khoa tim mạch “ngự” trong tòa nhà mới xây dựng đẹp nhất Bạch Mai. Theo một chị điều dưỡng khoa kể thì đây là toàn nhà do tổ chức nước ngoài tài trợ, trọn vẹn từ thiết kế xây dựng đến bố trí phòng ốc đều theo quy chuẩn quốc tế. Vì thế mà cửa kính, gạch phòng phẫu thuật, buồng bệnh đến nhà vệ sinh đều rộng rãi, sáng choang “không tỳ vết”.

 

Ngoài những tiếng tít tít, hối hả phát ra từ buồng cấp cứu của khoa, các buồng bệnh còn lại đóng cửa chìm trong giấc ngủ đêm, hành lang không một bóng người. Liếc mắt qua cánh cửa kính một buồng bệnh, tôi bắt gặp ngay cảnh ngủ tập thể “đông vui” lạ mắt: trên giường 2 - 3 bệnh nhân nằm chen chúc tráo đầu đuôi. Dưới nền nhà, gầm giường người nhà bệnh nhân không phân biệt tuổi tác, già - trẻ - trai – gái –quen - lạ đang “vai sát vai” co quắp ngủ không chừa lấy một lối đi nhỏ.

Địa chỉ: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe tỉnh Hà Giang
Mọi việc trông nom đều được “khép kín” trong căn buồng bệnh

Lang thang sang các bệnh viện chuyên khoa Viện Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Lão khoa, Tai- Mũi -Họng, Viện Sức khỏe tâm thần, Trung tâm Y học hạt nhân..., những đơn vị đều là chuyên khoa cũ của Bệnh viện Bạch Mai, việc thân nhân bệnh nhân nằm, ngồi chầu trực ngoài hành lang hay khuôn viên của bệnh viện hầu như không có. Mọi việc trông nom đều được “khép kín” trong căn buồng bệnh chừng hai chục mét vuông với san sát giường bệnh và giường gấp, chiếu trải dưới sàn nhà….

 

Chị T, quê Nam Định, đang chăm sóc mẹ bị tai biến mạch máu não ở bệnh viện Lão khoa chia sẻ: “So với tình trạng quá tải chung của bệnh viện tuyến trung ương hiện nay thì việc được ngủ cùng để tiện bề chăm nom như thế này là một đặc cách rồi. Người nhà mình bệnh nặng thì đi ra ngoài ngủ sao được. Cũng chỉ là tranh thủ trải ra nghỉ ngơi tý cho đỡ mỏi mệt chứ ngủ làm sao được trong mớ âm thanh tin tít, phù phù của máy móc, dịch truyền, tiếng rên la của bệnh nhân. Trông một vài ngày rồi lại gọi người nhà lên thay ca”.

 

Khoa “sang” hơn, ít cảnh kẻ nằm giường, người ngủ dưới đất phải kể đến các chuyên khoa Mắt, Tai - Mũi - Họng, Răng – Hàm – Mặt. Mỗi bệnh nhân được đàng hoàng nằm trên một giường, người nhà ngả lưng ké cùng giường bệnh nhân. Cô P, thân nhân người bệnh tại khoa Mắt chia sẻ: “Người nhà mình bị bệnh ở mắt, cơ thể không làm sao nên ban đêm lén các bác sỹ để ngả lưng chung trên giường. Chứ quy định của bệnh viện là người nhà của bệnh nhân không được nằm, ngồi trên giường bệnh đấy”.
 
Địa chỉ: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe tỉnh Hà Giang
Những hành lang dài luôn là chỗ ngủ lý tưởng cho người nhà bệnh nhân
Ngược lại, tại khoa Dị ứng – Miễn dịch, ngay từ bậc cầu thang cuối cùng trên đường bước vào khoa, tôi đã bắt gặp cả dãy giường gấp xếp hàng ngăn nắp. Mới có. Cũ có. Từng chiếc giường được cột lại với chân cầu thang cũ kỹ bằng một khóa dây lòng thòng. Hỏi chủ nhân đang nằm trên chiếc giường ngả ra ngay cạnh đó, anh tâm sự: “Khoa này giáp với trung tâm đào tạo Dị ứng và khoa Y học cổ truyền nên có hành lang dài. Về đêm có nhiều khoảng trống để ngủ hơn nên người nhà mới có cơ hội mua giường gấp để ngả lưng”.
 

Rồi anh chỉ vào dãy giường được xếp bên cạnh mình lý giải thêm: “Đây là những chiếc giường của thân nhân đang trông người nhà nằm trong khoa. Trong đấy chật chội chỉ trải được chiếu thôi nên giường đành khóa giường lại đây. Đợi đêm nào đỡ chật thì lấy ra nằm. Chị vào mà xem. Mà chị tính, đến cái băng ca vừa chuyển người chết xuống xe xong quay lên đã có người chiếm dụng để ngủ huống hồ là ghế đá, hành lang, gầm cầu thang… Tóm lại nơi nào trống để trải đủ cái chiếu hay ngả vừa cái giường gấp là ngủ được tuốt. Ban đầu mới vào, nhìn cảnh tượng này tôi cũng hãi. Nhưng cứ thử trông người nhà cả tuần, thậm trí cả tháng trong bệnh viện, mất ngủ cộng với lo lắng thì chỗ nào chả ngủ được”.
 

Địa chỉ: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe tỉnh Hà Giang

 Ngủ tập thể - Cảnh quen thuộc ở nhiều phòng bệnh tuyến TƯ
 
Khoa Dị ứng - Miễn dịch vẫn đang “ở chung” với “cha mẹ đẻ” nên mọi thứ đều chật chội, xuống cấp. Nói là buồng bệnh nhưng phải tả chính xác là một “rạp chiếu” mới đúng khi mà bản thân nó chứa cả hơn hai chục giường bệnh. Bệnh nhân nặng cần thở máy thì được nằm riêng phòng cấp cứu. Bệnh nhân nặng khác thì được cách ra bằng một bức tường vách nhựa cao quá đầu người. Số còn lại thì “ngủ tập thể và thức tập thể”.

 

Bệnh nhân X, quê ở Thái Nguyên kể: “Bà vào viện đã nửa tháng nay nhưng chưa thấy hôm nào giường bệnh của mình được nằm 2, đều đều là 03 bệnh nhân/giường, nhiều thì bốn. Truyền trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, ngủ cũng trong tư thế nửa ngồi nửa nằm. Người ốm thì nằm giường, giường gấp. Bệnh nhân nằm trên giường ra sao thì người nhà nằm dưới gậm giường như vậy. Thiếu chỗ thì nằm ra lối đi trong buồng bệnh, nằm tràn sang cả ngoài hành lang.
 
Địa chỉ: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe tỉnh Hà Giang

Phòng bệnh không đủ chỗ thì ra hành lang nằm...

Một phòng hơn hai chục cái giường nhân lên với con số bệnh nhân nằm ghép, rồi kèm theo mỗi người một vài người thân đi cùng Kẻ vào, người ra, kẻ ho hắng, người rên vì đau, rồi đi vệ sinh, cấp cứu sàn sạt bên tai, đập hết vào mắt. Mới vào người dễ ngủ cũng phải mất cả tuần, người kén ngủ thì thức dài dài.

 

“Đã đau thì chớ cộng thêm cảnh mất ngủ mệt mỏi lắm cô ạ”, người bà X đã ngoài sáu chục tuổi với thân hình dị ứng như quả dưa bở, ngồi, nằm đều nhăn nhó, ăn phải có người bón, đi đứng phải cõng, chia sẻ. Bên cạnh bà là hai bệnh nhân khác cũng đang truyền dịch. Cả ba người được sắp xếp ở chung trên một chiếc giường làm bằng inox rộng 80cm. Xung quanh, những chiếc giường khác cũng trong cảnh tương tự.

 

Khác với các phòng bình thường, buồng yêu cầu rộng khoảng hai chục mét vuông có gắn điều hòa. 4 bệnh nhân trong phòng đều ngủ “riêng”.  Tôi đánh tiếng với chị y tá trực đêm để hỏi thủ tục xin phòng điều trị theo yêu cầu cho thân nhân, chị y tá lắc đầu: “Phòng yêu cầu có hạn mà bệnh nhân đăng ký nhiều quá. Thôi để tôi ghi sổ xếp hàng vậy, ngày nào đến lượt thì bảo”. Vậy là dù muốn bỏ thêm 300.000 đồng mỗi ngày đêm cũng không dễ. Và dĩ nhiên là người nhà đi cùng vẫn bình quyền ngủ đất như mọi thân nhân khác.
 
Địa chỉ: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe tỉnh Hà Giang

… thậm chí ra giữa trời để ngủ

Cảnh thức và ngủ ban đêm muôn hình vạn trạng nhất phải kể đến khoa Thần kinh. Ngay ngoài sân và dưới chân cột điện, hình ảnh mỗi chiếc chiếu trải ra được trùm thêm một chiếc lồng màn không phải là “hàng độc”. Đếm sơ sơ cũng có đến cả chục cái.

 

Ngự trong một chiếc lồng như vậy nơi góc tối của hàng lan can trồng hoa, anh H, quê Nam Định, cẩn thận hơn còn mua hẳn tấm bạt dứa phủ lên trên chiếc màn chụp của mình, rồi chặn gạch ở bốn góc. Nằm trong chiếc lều của mình, thấy có ánh đèn máy ảnh, anh H, nói vọng ra: “Tối nay đài dự báo mưa nên làm thế cho chắc ăn. Không ngủ đây thì bên trong cũng chẳng còn chỗ nào để ngủ nữa rồi. Mà chăm bệnh nhân mắc bệnh thần kinh cô lạ gì. Tôi ở đây cũng ngót tháng. Dự báo cũng còn ở lâu dài nên sắm một lần cho chắc ăn. Với lại đã về trung ương là mắc bệnh nặng rồi. Người nhà đi cùng ít cũng hai người, nhiều thì 3-4 người thân đi cùng. Vì chỉ một người được vào trong khoa chăm sóc người thân nên số còn lạimắc màn chờ ngoài này để đợi “lệnh” của người bên trong. Mà bệnh nặng thì phải xác định tư tưởng điều trị lâu dài. Đây cũng là “lâu đài” lâu dài của tôi đấy… Cô đừng cười!”.
 
Địa chỉ: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe tỉnh Hà Giang

Nhìn lều biết mức độ thâm niên đi chăm bệnh nhân

Tâm trạng vừa cám cảnh chật chội, quá tải nhưng cũng hóm hỉnh lạc quan đầy trách nhiệm cảm thông với bệnh viện của anh H. cũng là chia sẻ chung của những bệnh nhân và thân nhân người bệnh mà tôi gặp. Trời bỗng sầm sập mưa. Chiếc lán của anh H phát huy hiệu quả ngay lập tức trong khi những chiếu khác lấy màn làm mái đều nháo nhào bật dậy, chạy ào vào hành lang chật chội…
 
Đêm. Bình thường đi ngoài đường nhìn vào khuôn viên bệnh viện, tôi chỉ cảm nhận được một không gian tĩnh mịch, nghỉ ngơi. Nhưng có “đột nhập”, sống cuộc sống bệnh viện mới thấy bên trong trong đó còn ngổn ngang trăm trăn trở, bộn bề.

 

Mỗi khuôn mặt tôi gặp hôm nay đều có một địa vị, một hoàn cảnh khác nhau ở ngoài hàng rào bệnh viện nhưng khi vào đây, thì dường như không có sự phân biệt, trăm tâm trạng như một: Đớn đau, lo lắng, bệnh tật và những khắc khoải mong một ngày nhanh khỏi bệnh. Và đêm là thời điểm giúp xoa dịu những đớn đau, lo toan đó, nhưng giấc ngủ cũng đâu được vẹn tròn. Họ ngủ đấy mà lại như thức. Bởi trong cái chợp mắt vội vàng là tiếng kêu rin rít của chiếc băng ca cấp cứu, tiếng ho hắng, tiếng máy thở, tiếng người đi lại, rồi những cơn mưa vội đến rồi đi.

Địa chỉ: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe tỉnh Hà Giang

Bất kỳ đâu…

Địa chỉ: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe tỉnh Hà Giang
... cũng thành chỗ nghỉ, ngả lưng
Lang thang một đêm không ngủ trong bệnh viện, lúc đặt mình vào tâm thế của người bệnh, lúc là thân nhân, khi lại là góc độ một người cầm bút. Buồn - vui - hy vọng đan xen lẫn lộn. Buồn thì nhiều nhưng vui cũng không ít. Vui vì trong cái đớn đau của bệnh tật, mọi người đều yên tâm vì có những người thầy thuốc thức trắng đêm đồng hành. Hy vọng vì ngay trong khuôn viên bệnh viện giờ này, vẫn còn bao công nhân và máy móc đang miệt mài chạy đua với thời gian để hối hả xây thêm những tòa nhà, những buồng bệnh mới. Tất cả họ và tôi đang mong đến ngày những đớn đau, lo lắng bệnh tật sẽ được xoa dịu khi bệnh nhân và người nhà họ nhập viện sẽ được thức và ngủ đúng nghĩa.

Bài và ảnh: Kim Huệ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm