Ngỡ ngàng thứ sẵn có trong cơ thể tạo ra "siêu bệnh tình dục"
Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra lý do khiến trong một số trường hợp, bệnh lậu – căn bệnh tình dục "xưa như trái đất" - trở thành một "siêu bệnh lậu" cực nguy hiểm.
Nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Christopher Davies và tiến sĩ Avinash Singh từ Đại học Y khoa South Carolina (Mỹ) đã tìm một "kẻ thù" sống âm thầm trong cơ thể nhiều người, cung cấp cho lậu cầu khuẩn Neisseria gonorrhoeae một gene mang đột biến đặc biệt, khiến nó trở thành những siêu vi khuẩn đánh bại hầu hết thuốc men của con người.
Cơ chế này được cho là thủ phạm gây ra những ca "siêu bệnh lậu" đa kháng thuốc, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Ở trạng thái thông thường, bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục xưa cũ và dễ dàng trị được bằng kháng sinh phổ biến.
Thủ phạm biến lậu cầu khuẩn thành siêu khuẩn là các đột biến nằm trên một protein thiết yếu, tìm thấy trên cơ thể các loài vi khuẩn Neisseria, vốn là dạng vi khuẩn thường cư trú trên bề mặt niêm mạc cổ họng và đường sinh dục con người. Các vi khuẩn Neisseria không gây bệnh, nhưng đột biến chúng có khả năng kháng thuốc đáng sợ. Khi lậu cầu khuẩn đi vào cơ thể, 2 loài vi khuẩn đã có sự giao tiếp bất ngờ. Neisseria chuyển giao gene mang đột biến đa kháng thuốc cho lậu cầu khuẩn, vậy là tạo ra một "siêu bệnh lậu".
Việc tìm ra cơ chế gây kháng thuốc ở cấp độ phân tử này hứa hẹn đưa đến phương án hữu hiệu đẩy lùi các ca "siêu bệnh tình dục", như thiết kế các loại thuốc chống lại vi khuẩn mới nhắm vào những vi khuẩn tưởng lành tính, nhưng góp phần gây ra tình trạng nghiêm trọng.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Journal of Biological Chemistry.
Theo Người lao động