1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ngộ độc rượu nhập viện: Đến hẹn lại tăng!

(Dân trí) - Với nhiều năm kinh nghiệm làm công tác cấp cứu, điều trị, TS Phạm Duệ, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, cho biết: tình trạng hôn mê, khó thở, hạ đường huyết thậm chí tử vong do ngộ độc rượu nặng không hiếm gặp, nhất là trong các dịp lễ tết.

Bệnh nhân ngộ độc rượu là sinh viên gia tăng

Ngộ độc rượu nhập viện: Đến hẹn lại tăng! - 1

Một bệnh nhân ngộ độc rượu đang được cấp cứu tại TT Chống độc BV Bạch Mai (ảnh: Người Lao động)
 
Hàng năm, vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, lại tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu. Riêng trong dịp Tết này, số ca ngộ độc rượu tăng nhẹ, chiếm gần 30% tổng số bệnh nhân ngộ độc.“Đáng nói là 5 năm trở lại đây, tỷ lệ bệnh nhân ngộ độc rượu là sinh viên tăng hơn hẳn so với trước. Đối tượng này cũng thường nhập viện những dịp trước và sau các kỳ nghỉ, dịp lễ tết, hoặc sau lễ tốt nghiệp”, TS Duệ cho biết.
 
Mới đây nhất, một sinh viên năm thứ 3 đã uống liền 3 chai rượu Vodka loại 330ml trong vòng 10 phút. Theo lời kể của người thân thì anh ta bị bất tỉnh ngay sau khi uống rượu nên được đưa vào nhà nằm nghỉ. Mãi sáng hôm sau, bạn bè mới phát hiện ra rằng chàng trai đã bị ngừng tim và đưa đi cấp cứu. Khi đưa tới Trung tâm, bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê sâu, hạ đường huyết. Dù chúng tôi rất cố gắng song bệnh nhân vẫn không qua khỏi.
 
Điều trị những bệnh nhân ngộ độc rượu không quá khó, cái khó hơn là xử sự thế nào vì khi say mọi chuyện đều có thể xảy ra. Đó là lý do vì sao có hiện tượng cãi vã, đâm chém người khác hay hủy hoại chính bản thân mình. “Bản thân tôi bị bệnh nhân ngộ độc rượu chửi rủa và xông vào đánh”, TS Phạm Duệ than. Tay đó đã say mềm nhưng kiên quyết nói mình không say sau khi “vui tới bến” bên Làng Lệ Mật. Anh ta yêu cầu: “Phải chặt ngay bàn tay phải cho tôi. Nếu không, tôi sẽ bị chết vì nọc độc do rắn cắn…”. Ngay đám bạn rượu đi cùng anh ta cũng say khướt, sừng sộ theo và đòi đánh nhân viên y tế. Cách duy nhất là cán bộ y tế phải nhũn như chi chi, lựa lời để khuyên nhủ các “ma men” đó.
 
Khuyến cáo của chuyên gia

Theo TS. Phạm Duệ: “Có thể một số gia đình đã quá quen với cảnh người thân say rượu rồi đi nằm; hôm sau lại dậy và đi làm bình thường. Tuy nhiên, đây là điều nên tránh bởi khi bệnh nhân bị hôn mê mà không biết thì đến khi đưa vào viện cũng không thể cứu được!”.

Ngộ độc rượu nhập viện: Đến hẹn lại tăng! - 2

Ngoài ngộ độc rượu, nhiều bệnh nhân bị loạn thần vì nghiện rượu (ảnh: Thu Hà)


Theo khuyến cáo của các chuyên gia chống độc, khi xuất hiện những dấu hiệu của say rượu, người nhà cần chăm sóc ngay như tìm cách để người uống nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má. Nên cởi khuy cổ áo, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa), tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Sau vài tiếng, người nhà nên gọi bệnh nhân dậy, cho ăn sữa hoặc cháo. Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt, loạn nhịp tim phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra.

Khi uống thì nên chọn loại rượu có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm và chỉ uống ít (khoảng 30ml). Ngoài ra, cũng cần lưu ý trong khi uống rượu vẫn phải ăn cơm và thức ăn khác nhằm tránh tình trạng cảm lạnh do đói, rét. Quan niệm uống rượu cho ấm người chỉ đúng khi người uống uống một lượng rượu vừa đủ cho nhu cầu và đang ở nơi ấm, kín gió và mặc đủ ấm. “Vì thân nhiệt tăng do rượu nhanh nhưng rất chóng tàn. Do vậy, nếu không ăn uống đầy đủ, người uống rượu sẽ cạn năng lượng, bị đói rét, dễ bị cảm lạnh và nguy hiểm đến tính mạng”, BS Duệ lưu ý.
Thu Hà, MH