Nghiên cứu vắc-xin virus corona thu tuyển tình nguyện viên như thế nào?

Cẩm Tú

(Dân trí) - Thử nghiệm vắc-xin virus corona giai đoạn 3 đầu tiên đã bắt đầu trong tuần này, với kế hoạch thu tuyển 30.000 tình nguyện viên cho đến khi kết thúc.

Mặc dù chúng ta hy vọng tất cả các vắc-xin đều an toàn và hiệu quả càng sớm càng tốt, cách duy nhất để tìm hiểu xem liệu nó có thật sự an toàn và hiệu quả hay không là cho các tình nguyện viên dùng thử.

Nghiên cứu vắc-xin virus corona thu tuyển tình nguyện viên như thế nào? - 1

Thử nghiệm vắc-xin ở người, giống như thử nghiệm thuốc, có ba giai đoạn. Trong hai giai đoạn đầu, các nhà nghiên cứu xác định liều thích hợp, đảm bảo mọi tác dụng phụ nếu có đều không quá nghiêm trọng và dĩ nhiên, vắc-xin tạo được đáp ứng miễn dịch. Giai đoạn thứ ba là “thử nghiệm quyết định”, bao gồm số lượng lớn các tình nguyện viên được tiêm vắc-xin thử nghiệm hoặc giả dược; đây là cách để tìm hiểu xem vắc-xin có thực sự hoạt động trong thực tế hay không.

Điều gì xảy ra nếu bạn tình nguyện?

Bước đầu tiên là điền vào bảng câu hỏi sàng lọc sẽ giúp các nhà nghiên cứu xác định bạn có phải là kiểu tình nguyện viên mà họ đang tìm kiếm hay không. Mỗi nghiên cứu có tiêu chí điều kiện riêng dựa trên những chỉ số như tuổi tác và tiền sử sức khỏe.

Quá trình thu tuyển và tham gia thử nghiệm sẽ bao gồm những lần đến trung tâm nghiên cứu, thường là 10 lần trong khoảng 1 hoặc 2 năm. Những lần này có thể bao gồm kiểm tra thể chất, lấy ​​máu và tiêm hoặc truyền. Tình nguyện viên được trả tiền cho thời gian của họ. Mạng lưới phòng chống coronavirus không đưa ra một số tiền cụ thể, vì mức này thay đổi tùy theo nghiên cứu và địa điểm, nhưng các khoản thanh toán cho các nghiên cứu dài ngày có thể lên tới hàng trăm đô la.

Khi bạn đăng ký tham gia một nghiên cứu, dù là vắc-xin hay bất cứ thứ gì khác, bạn sẽ được giải thích về nghiên cứu đó, với một cuộc thảo luận rõ ràng về các rủi ro và lợi ích, và bạn sẽ có thể đặt câu hỏi. Bạn luôn có thể nói không hoặc rút khỏi nghiên cứu bất cứ lúc nào.

Mọi người sẽ phơi nhiễm với virus khi tham gia thử nghiệm?

Bạn sẽ không phải nhận virus. Các nghiên cứu lây nhiễm có chủ ý cho người được gọi là nghiên cứu thử thách và hiện tại chúng không được xem xét cho các thử nghiệm vắc-xin COVID-19.

Tuy nhiên, toàn bộ ý tưởng của một thử nghiệm vắc-xin là để xem liệu nó có bảo vệ bạn chống lại virus hay không. Các nghiên cứu dự định chỉ chấp nhận những người chưa từng bị COVID-19; sau đó họ sẽ chờ xem bạn liệu bạn có bị hay không.

Đây là một cơ hội tốt hay là một rủi ro?

Có thể là cả hai. Nếu may mắn, bạn có thể nằm trong nhánh thử nghiệm được tiêm vắc-xin thực (thay vì giả dược) và vắc-xin có thể hoạt động. Xin chúc mừng!

Nhưng bạn có thể được nhận vắc-xin và hóa ra vắc-xin có tác dụng phụ có hại. Về mặt tốt, đó là thông tin mà các nhà nghiên cứu nên biết, và có lẽ trải nghiệm của bạn sẽ giúp loại bỏ một vắc-xin gây hại, hoặc giúp hiểu rõ hơn về những người có thể bị tổn hại bởi vắc-xin trong những trường hợp hiếm gặp, và tại sao.

Hoặc có lẽ bạn sẽ nhận được giả dược. Không có cách nào để biết. Bạn cũng có thể được nhận vắc-xin, và vắc-xin hóa ra không bảo vệ bạn. Bạn chắc chắn không nên hành động giống như bạn được bảo vệ chỉ bởi vì bạn đã tham gia vào một thử nghiệm vắc-xin.

Thử một loại vắc-xin mới là một đề xuất rủi ro cố hữu, và đó là toàn bộ lý do cần các thử nghiệm – sao cho một phương pháp điều trị trước tiên có thể được thử nghiệm trên những người biết mình đã đồng ý làm gì và được theo dõi sát sao, thay vì triển khai cho mọi người trước khi hiểu rõ về những nguy cơ và lợi ích.