Nghiên cứu mới: Dùng tế bào "hoại tử" để...chữa ung thư

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, việc tiêm các tế bào đang “chết dần chết mòn” trực tiếp vào khối u ung thư, có thể lại chính là một cách để chống lại căn bệnh nan y này.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhà khoa học Annelise Snyder và cộng sự, đến từ Đại học Washington, với mấu chốt là tế bào hoại tử, một kiểu chết theo lập trình của tế bào, với việc nó bị mục rỗng dần. Điều thú vị là trong quá trình hoại tử, tế bào này sẽ giải phóng ra một loại hóa chất kích thích phản ứng viêm, thứ sẽ thu hút các tế bào miễn dịch đến để kết liễu tế bào đang “chết dần chết mòn”.

Cụ thể, nhóm tác giả đã chỉnh sửa gen của các tế bào ung thư, để nó có thể chuyển sang giai đoạn hoại tử khi được kích hoạt. Kế đến, nhóm của Annelise tiêm những tế bào này vào các khối u hắc tố (một loại ung thư da) đang phát triển trên cơ thể của chuột thí nghiệm.

Theo ghi nhận của nhóm tác giả, tốc độ phát triển của các khối u đã giảm đi đáng kể, hiện tượng mà sau này đã được “giải mã” bởi sự hiện diện của các tế bào T độc (Một loại tế bào miễn dịch có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư). Không chỉ có tác dụng lên khối u, việc tiêm tế bào hoại tử cũng khiến cho các tế bào ung thư đang nằm rải rác trên khắp cơ thể chuột bị ngưng trệ hoặc bị tiêu diệt. Bên cạnh đó, những chú chuột được xử lý bằng phương pháp này cũng cho thấy thời gian sống lâu hơn nhóm chuột đối chứng.

Nghiên cứu mới: Dùng tế bào hoại tử để...chữa ung thư - 1

“Tế bào hoại tử đã giải phóng ra loại tín hiệu có khả năng kích hoạt các tế bào T nằm xung quanh khu vực khối u, những tế bào T này trước đó đã lên giây cót sẵn cho việc tấn công khối u ung thư, và chính những tín hiệu mà tế bào hoại tử tiết ra là ngòi nổ cho cuộc tấn công này” - nhà khoa học Annelise Snyder – “Nó cũng như khi ta bị chảy máu dưới biển sẽ kích thích lũ cá mập vậy”.

Theo những thông tin được công bố, nhóm tác giả đã sử dụng tế bào hoại tử cùng dòng với tế bào ung thư trên chuột, đồng nghĩa với việc chúng sở hữu những loại kháng nguyên giống nhau trên bề mặt tế bào. Do đó, kháng thể (tế bào T độc) đặc hiệu với tế bào hoại tử cũng sẽ đặc hiệu với tế bào ung thư cần tiêu diệt. Tuy nhiên, điều làm nhóm tác giả này cảm thấy băn khoăn là khi thử sử dụng một dòng nguyên bào sợi khỏe mạnh, để chế tạo tế bào hoại tử thì cũng quan sát được hiện tượng khối u ung thư phát triển chậm lại.

Nghiên cứu của nhà khoa học Annelise Snyder và cộng sự đã cho thấy những kết quả rất hứa hẹn, trong việc sử dụng tế bào hoại tử như một hướng đi mới để chữa ung thư. Tuy nhiên, đây chỉ mới là những kết quả bước đầu, nhóm tác giả cũng thừa nhận rằng, họ không dám chắc liệu phương pháp này có gây những ảnh hưởng không mong muốn lên cơ thể hay không. Cũng theo chia sẻ của Annelise, trong tương lai, nhóm của cô sẽ tiến hành thí nghiệm với các loại ung thư khác trên chuột có sự tương đồng nhiều hơn với ung thư ở người. trước khi phát triển lên những bước xa hơn.

Minh Nhật

Theo CN