1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Nghiện” chụp ảnh món ăn: Coi chừng rối loạn tâm thần!

(Dân trí) - Nếu bạn “mê mẩn” việc chụp ảnh các món ăn – trong bữa ăn của bạn hoặc của người khác - thì có thể bạn đang có vấn đề về tâm thần.

 

“Nghiện” chụp ảnh món ăn: Coi chừng rối loạn tâm thần!

 

Theo BS. Valerie Taylor, một chuyên gia sức khỏe tâm thần Canada, thì điều này cũng báo hiệu những vấn đề về sức khỏe.

 

Chúng ta thường chụp ảnh những gì quan trọng với mình và với một số người thì bản thân thức ăn đã trở thành trung tâm, những thứ còn lại – nơi gặp mặt, bạn bè và vân vân đều chỉ là nền “hậu cảnh”.

 

Bà cũng chỉ ra vấn đề tương tự ở những người xăm hình món ăn. Theo bà, với một số người có tố chất dễ bị rối loạn hành vi đối với cân nặng, thì ảnh chụp món ăn và hoạt động truyền thông của xã hội có thể thúc đẩy “những rối loạn cân nặng không tốt cho sức khỏe”.

 

Các bác sĩ cũng có một giả thuyết khác về sự “khêu gợi” của đồ ăn khiến người ta béo.

 

Nói cách khác, việc chụp ảnh món ăn có thể chỉ ra sự háo hức của một người muốn “khoe” những thứ mình đã ăn,  hoặc tán dương niềm đam mê của mình.

 

Tuy nhiên, nếu bạn đang “cắn rứt” lương tâm vì trót spam Instagram bằng vô số những bức ảnh chụp các món ăn, thì có thể tự an ủi rằng dù sao việc làm này cũng có mặt tích cực của nó.

 

Josh Ozersky, một tác giả chuyên về ẩm thực, cho rằng việc chụp ảnh món ăn thậm chí lại là dấu hiệu của sức khỏe tâm thần.

 

“Dù sao, chụp ảnh đồ ăn là một hành động nhằm kiểm soát “xung lực”, trì hoãn ham muốn, và lên kế hoạch lâu dài. Thực ra, ngồi luôn vào bàn và đánh chén còn dễ hơn nhiều”.

 

Những rối loạn tâm thần kỳ lạ trong y học

 

Hội chứng Stendhal (bị sốc vì cái đẹp): Hội chứng Stendhal/Standhal là một dạng bệnh tâm căn xảy ra khi một người tiếp xúc với quá nhiều tác phẩm nghệ thuật đẹp trong một khoảng thời gian ngắn.

 

Hội chứng Stockholm (yêu kẻ bắt cóc mình): Jaycee Dugard bị bắt cóc năm 11 tuổi. Khi được giải cứu lúc 29 tuổi, cô đã nói với những người điều tra rằng kẻ bắt cóc cô, Phillip Garrido, là “một người rất tốt” và “là người cha tốt với những đứa con của cô”.

 

Hội chứng Lima (kẻ bắt cóc trở nên gắn bó với nạn nhân): Trái người với hội chứng Stockholm, trong trường hợp này kẻ bắt cóc lại trở nên thông cảm và gắn bó với nạn nhân.

 

Triskaidekaphobia (sợ số 13): Triskaidekaphobia là hội chứng sợ số “13”, trong khi hội chứng sợ thứ Sáu ngày 13 được gọi là paraskavedekatriaphobia hoặc friggatriskaidekaphobia.

 

Hội chứng “bàn tay lạ” (Alien Hand Syndrome) (bàn tay có cuộc sống riêng): Những người bị hội chứng này không kiểm soát được “bàn tay lạ” của mình. Bàn tay thậm chí có thể thực hiện được những động tác phức tạp như cởi khuy, cởi quần áo và sử dụng dụng cụ.

 

Hội chứng “nói giọng nước ngoài” (Foreign Accent Syndrome): Đây là tình trạng hiếm gặp xảy ra sau một chấn thương sọ não hoặc đột quỵ, khiến người bệnh nói tiếng mẹ đẻ như thể họ là người nước ngoài.

 

Hội chứng Diogenes (người già thờ ơ với bản thân): Hội chứng Diogenes, hay hội chứng “nhếch nhác tuổi già”, là một rối loạn đặc trưng bởi tình trạng bỏ bê bản thân trầm trọng, nhà cửa bẩn thỉu, cô lập với xã hội, lãnh đạm với mọi người, ám ảnh tích trữ các vật dụng bỏ đi và không còn biết xấu hổ.

 

Kleptomania (ám ảnh lấy cắp): Kleptomania là căn bệnh đặc trưng bởi mong muốn không thể cưỡng lại phải lấy trộm những đồ vật không mấy giá trị. Món đồ có thể hoàn toàn không đáng giá gì như ghim kẹp hoặc cuộn giấy vệ sinh. Một số người bị hội chứng kleptomania thậm chí còn không ý thức được là mình đang có hành vi trộm cắp.

 

Hội chứng Cotard (tin rằng mình là một xác sống): Hội chứng Cotard khiến người bệnh tin rằng mình đang chết, không tồn tại, đang thối rữa, đã bị mất hết máu hoặc các cơ quan trong cơ thể. Mặc dù hiếm gặp, song một số người bệnh bị hoang tưởng là mình bất tử.

 

Synesthesia (chữ cái có màu sắc, màu sắc có hương vị): Đây là sự hợp nhất về thần kinh của các giác quan khiến người bệnh thấy các chữ cái có màu sắc, âm thanh có màu sắc, và màu sắc có hương vị. Ví dụ từ “cốc” có vị giống như kem sô cô la.

 

Hoang tưởng Capgras (nghĩ người thân là người lạ): Hoang tưởng Capgras là một rối loạn hiếm gặp trong đó người bệnh tin rằng một người thân trong gia đình oặc thậm chí vợ hay chồng mình là kẻ mạo danh có vẻ ngoài giống hệt.

 

Hoang tưởng Fregoli (tất cả mọi người đều giống nhau): Người bệnh tin rằng những người xung quanh mình đang mang khuôn mặt của một người luôn thay đổi dáng vẻ hoặc đang cải trang.

 

Bigorexia (ám ảnh về cơ bắp): Người bị bệnh này luôn bị ám ảnh rằng mình không đủ “vạm vỡ”.

 

Arctic Hysteria: Chứng bệnh này phần lớn gặp ở chó và phụ nữ người Eskimo. Các triệu chứng bao gồm la hét dữ dội và hành vi hoang dại không kiểm soát được, trầm cảm, mất cảm giác với giá lạnh và nhiều triệu chứng khác.

 

Reduplicative Paramnesia: Người bệnh tin rằng một chỗ hoặc một địa điểm nào đấy đã bị sao chép, tồn tại đồng thời ở hai hoặc nhiều vị trí, hoặc vị trí đó đã bị “di chuyển” tới một nơi khác.

 

Celebriphilia (cuồng thần tượng): Celebriphilia là ham muốn mạnh mẽ bất thường được có quan hệ lãng mạn/tình dục với thần tượng.

 

Bibliomania (ám ảnh sách): Người bệnh bị ám ảnh phải thu thập sách tới mức ảnh hưởng tới các quan hệ xã hội và gia đình.

 

Hội chứng Munchausen (muốn được quan tâm): Người bệnh làm giả hoặc cường điệu các triệu chứng bệnh tật của mình hoặc của người đang được mình chăm sóc để mong nhận được sự quan tâm và thông cảm từ người khác.

 

Androphobia (thù ghét đàn ông): Androphobia là tình trạng người bệnh thù ghét đàn ông một cách thái quá.

 

Trichotillomania (muốn nhổ tóc): Người bệnh bị thôi thúc phải nhổ lông tóc của mình. Người bệnh có thể nhổ tóc, lông mi, lông ngực, lông mũi, lông mu, lông mày v.v….

 

Hội chứng “Đầu nổ tung” (Exploding Head Syndrome): Hội chứng này khiến người bệnh đôi khi phải chịu tiếng ồn khủng khiếp phát ra từ ngay chính đầu mình, thường được mô tả là âm thanh của tiếng nổ, tiếng gầm, tiếng súng, giọng nói to hoặc tiếng thét.

 

Paedophilia (chứng ấu dâm): Paedophilia đặc trưng bởi chủ yếu hoặc hoàn toàn chỉ có ham muốn tình dục với trẻ em chưa dậy thì.

 

Hội chứng “Alice ở xứ thần tiên”: Người bệnh cho biết cảm giác của họ về thời gian, không gian và hình ảnh cơ thể bị méo mó. Ví dụ, với họ con chó có thể trông chỉ có kích thước bằng con chuột nhắt.

 

Apotemnophilia/Rối loạn cắt cụt chi: Bệnh nhân bị ám ảnh bởi ham muốn phải cắt cụt các chi đang khỏe mạnh hoặc những bộ phận khác của cơ thể tới mức có thể tìm cách để tự làm việc đó.

 

Hybristophilia (yêu tội phạm): Đó là khi một người có ham muốn tình dục hoặc bị hấp dẫn bởi kẻ có hành vi tội ác.

 

Jumping Frenchmen of Maine: Chứng bệnh này gây ra phản xạ “máy giật” quá mức, tương tự như phản xạ “giật mình” không kiểm soát được, nhưng cũng có thể bao gồm cử động đột ngột ở tất cả các phần của cơ thể.

 

Cẩm Tú

Theo Asiaone