Nghề điều dưỡng - những người “gác cửa” sự sống
(Dân trí) - Tại Hà Nội, số lượng điều dưỡng chiếm 44% số lượng cán bộ của ngành y tế, đóng góp quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe nguời bệnh.
BV Hữu nghị Việt Đức, Hội Điều dưỡng TP.Hà Nội vừa tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (12/5/1989-12/5/2019) và Ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5).
Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, với đặc thù là trung tâm phẫu thuật lớn của cả nước, hàng năm số lượng ca mổ lớn trên 67.000 ca, thì vai trò của người điều dưỡng là hết sức to lớn góp phần không nhỏ vào thành công của bệnh viện trong đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Sự hài lòng của người bệnh có đóng góp không nhỏ từ chăm sóc của người điều dưỡng.
Tại BV Hữu nghị Việt Đức có khoảng 400 bác sĩ, số lượng Điều dưỡng lên đến 1.400 người. Có thể nói điều dưỡng là một “mắt xích” quan trọng, một bộ phận không thể tách rời trong chăm sóc sức khỏe.
Điều dưỡng thường là những người đầu tiên tiếp xúc bệnh nhân. Trong quá trình điều trị, họ cũng là những người gắn bó bệnh nhân nhiều nhất.
Những điều dưỡng viên không chỉ thực hiện công việc quen thuộc là tiêm thuốc, truyền dịch cho người bệnh, mà còn từng ngày, từng từng giờ “gác cửa sự sống”, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, thấu hiểu tâm tư của người bệnh.
Ngày Quốc tế Điều dưỡng cũng chính là ngày sinh của Florence Nightingale - người sáng lập ra ngành điều dưỡng (y tá) hiện đại. Florence Nightingale (12/51820 – 13/8/1910), còn được tưởng nhớ là "Người phụ nữ với cây đèn", là người sáng lập ra ngành y tá hiện đại và là một nhà thống kê y tế.
Bà Vi Thị Nguyệt Hồ - Người sáng lập ra ngành Điều dưỡng Việt Nam
Florence Nightingale được biết đến như là một "tiên nữ cho thuốc, vóc dáng mảnh mai của cô thầm lặng lướt qua những hành lang của bệnh viện, những khuôn mặt bệnh nhân đang đau khổ lộ vẻ biết ơn mỗi khi thấy bóng cô. Khi các bác sĩ đã về nghỉ, khi bóng đêm và sự tĩnh mịch phủ lên các hành lang đầy những bệnh nhân co quắp, cô xuất hiện với cây đèn leo lét trên tay, lặng lẽ đi tuần các trại bệnh một mình...". Đó cũng chính là hình ảnh tận tụy chăm sóc, sự hi sinh thầm lặng của các điều dưỡng.
Tại Hà Nội hiện có 25.781 cán bộ y tế, trong đó, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh có 11.357 người chiếm khoảng 44% số lượng cán bộ của ngành y tế, đóng góp rất lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngoài việc chăm sóc người bệnh, đội ngũ điều dưỡng còn quan tâm đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển thành phong trào nghiên cứu khoa học rất sôi nổi với nhiều sáng kiến mang tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần vào nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.
Theo Thạc sĩ Trần Văn Oánh, Trưởng phòng Điều dưỡng, tất cả những cử chỉ, lời nói của điều dưỡng viên đều tác động đến sự an toàn của bệnh nhân. Chỉ một phút lơ đãng cũng có thể dẫn đến tiêm, truyền nhầm thuốc. Chỉ một cử chỉ không thân thiện là đem đến lo lắng cho bệnh nhân. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến mổ nhầm người bệnh:
Tú Anh