1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghệ An: Hơn 8.000 bệnh nhân tâm thần “đói” thuốc

(Dân trí) - Đã gần 4 tháng qua, hơn 8.000 bệnh nhân tâm thần điều trị ngoại trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An không được cấp phát thuốc điều trị theo quy định do nguồn thuốc hết. Nhiều bệnh nhân không có thuốc, bệnh tình tái phát trở thành mối lo ngại cho cộng đồng.

Theo thống kê, hiện nay Nghệ An có gần 13.200 bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm. Trong đó có 4.845 bệnh nhân được cấp thuốc từ Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng (BVSKTTCĐ), 8.324 bệnh nhân được cấp thuốc từ nguồn kinh phí không tự chủ của tỉnh.

Năm 2013, tổng kinh phí cấp mua thuốc phát tại xã cho các bệnh nhân tâm thần ngoại trú là hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, cấp cho 152/479 xã được thụ hưởng chương trình là trên 900 triệu đồng; kinh phí mua thuốc cho bệnh nhân ở các xã ngoài chương trình là 648 triệu đồng.

Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tâm thần Nghệ An (Ảnh: Doãn Hòa)
Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tâm thần Nghệ An (Ảnh: Doãn Hòa)

Ông Phan Kim Thìn, giám đốc bệnh viện tâm thần Nghệ An cho hay, đến ngày 31/8, kinh phí mua thuốc cho bệnh nhân điều trị ngoại trú ở các xã ngoài Dự án BVSKTTCĐ tại Nghệ An đã hết. Bệnh viện Tâm thần Nghệ An không còn khả năng cấp thuốc khiến trên 8.000 bệnh nhân ở các xã rơi vào tình trạng thiếu thuốc điều trị.

Theo ông Thìn, nguyên nhân chính là do nguồn kinh phí từ tỉnh cấp để mua thuốc đã hết, giá thuốc tăng từ 10-20% và số lượng bệnh nhân tâm thần tăng so với năm 2013. Trước tình hình trên, bệnh viện tâm thần Nghệ An đã có văn bản gửi về trung tâm y tế các huyện, thành, thị nói rõ điều này cũng như yêu cầu các trung tâm viết giấy giới thiệu cho bệnh nhân về bệnh viện để được khám, điều trị, cấp thuốc. Đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, bệnh viện áp dụng nguồn của thẻ; bệnh nhân không thẻ thì phải tự mua.

“Vấn đề này ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi, vì thuốc hàng năm đều được Bộ Y tế phân bổ về, không hiểu sao đã gần 4 tháng nay không có thuốc. Bệnh viện không còn khả năng cấp thuốc về các trung tâm y tế để phát cho bệnh nhân ở các xã ngoài chương trình”, ông Thìn nói.

Để đảm bảo nguồn thuốc cung cấp cho bệnh nhân điều trị ngoại trú, bệnh viện Tâm thần Nghệ An đã có tờ trình số 269/BV-CĐT gửi Sở Y tế, Sở Tài chính Nghệ An về việc xin kinh phí bổ sung mua thuốc điều trị cho các bệnh nhân trong năm 2013. Tuy nhiên đến nay, nguồn kinh phí bổ sung (gần 562 triệu đồng) vẫn chưa được cấp.

Do không có thuốc điều trị nên số bệnh nhân nhập Bệnh viện Tâm thần Nghệ An trong thời gian qua tăng đột biến (mỗi ngày có khoảng 20-30 bệnh nhân đến khám, điều trị), phần lớn là bệnh nhân nặng, gần như mất hết ý thức do bệnh tái phát.

Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tâm thần Nghệ An (Ảnh: Doãn Hòa)
Người thân các bệnh nhân bị bệnh tâm thần vượt đường xa để đi mua thuốc khi nguồn cấp thuốc về địa phương hết (Ảnh: Nguyễn Duy)

Thuốc chữa trị bệnh tâm thần là thuốc cấp phát, người bệnh được cấp phát theo phác đồ điều trị từ trước, ngoài các hiệu thuốc không bán các chủng loại thuốc tâm thần nên người nhà muốn mua cũng không có. Để có thuốc điều trị cho bệnh nhân tâm thần, người thân của họ ở các huyện miền núi như Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn…phải đi từ 200-300km đến bệnh viện tâm thần Nghệ An để mua.

Nhiều bệnh nhân nhà nghèo, không có điều kiện mua thuốc nên bệnh tình ngày càng trở nặng. Gia đình ông Vi Văn Hồng ở huyện Tương Dương có 2 người con bị bệnh tâm thần, nhà không có xe máy nên hàng tháng ông đều xin đi nhờ xe, đi bộ gần 20km ra trung tâm y tế huyện lấy thuốc về cho con. Từ khi không thuốc đặc trị bệnh tâm thần, hằng ngày 2 đứa con ông quậy phá, đi lang thang trong xã. Khi lên cơn, gặp ai chúng cũng sinh sự đánh nhau, về nhà thì đánh cha mẹ, đập phá đồ đạc.

Gia đình ông Hồng thuộc diện nghèo nhất xã nên không có tiền để xuống TP Vinh mua thuốc cho con. “Trước đây, hàng tháng, tôi đều lên trung tâm y tế huyện lấy thuốc về, nhưng không hiểu sao từ đầu tháng 9 lên thì họ bảo hết thuốc. Cực chẳng đã, tôi phải nhờ họ hàng bắt 2 đứa con của mình nhốt vào phòng, khóa cửa lại, đến giờ cơm mới mở cửa đưa cơm vào, chứ để hai đứa chúng nó đi lang thang ngoài đường nguy hiểm cho mọi người lắm”, ông Hồng tâm sự.

“Tình trạng thiếu thuốc điều trị cho các bệnh nhân tâm thần ngoại trú rất đáng lo ngại. Khi bệnh nhân tâm thần động kinh, nếu không được uống thuốc liên tục thì sẽ tăng cơn co giật, không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong. Đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt, nếu cắt thuốc đột ngột thì dễ có những hành vi nguy hiểm cho xã hội vì họ không kiểm soát được hành vi của mình”, ông Thìn lo lắng.

Doãn Hòa - Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm