Nghệ An: Báo động nguy cơ bệnh dại vì người dân thờ ơ tiêm phòng

(Dân trí) - Thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến nguy cơ bệnh dại gây tử vong ở người lớn hơn bao giờ hết. Vậy nhưng, ở nhiều địa phương tại Nghệ An, đặc biệt là các huyện miền núi, nhiều người dân thờ ơ với việc tiêm phòng dại cho chó.

Tình trạng nuôi chó thả rông vẫn phổ biến tại Nghệ An.
Tình trạng nuôi chó thả rông vẫn phổ biến tại Nghệ An.

Theo tổng hợp của Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An, số ca phơi nhiễm với bệnh dại đến tư vấn và tiêm phòng dại tại các điểm tiêm phòng hàng năm vẫn khá cao. Trong đó, cao nhất là năm 2009 với 4.395 ca phơi nhiễm bệnh dại và năm 2011 với 8 người tử vong vì bệnh dại.

Ghi nhận số ca tử vong tính theo địa bàn từ năm 2009 đến nay, Quỳnh Lưu là địa phương có số ca tử vong vì bệnh dại lớn nhất tỉnh với 17 ca, tiếp đó là huyện Anh Sơn với 6 ca và huyện Nghĩa Đàn có 4 người tử vong do bệnh dại, các huyện khác có từ 1-2 ca tử vong do bệnh dại. Hầu hết các nạn nhân tử vong đều bị chó cắn nhưng không đến tiêm phòng hoặc tiêm phòng muộn.
 
Từ tháng 01 đến tháng 8/2013, toàn tỉnh Nghệ An có 2.286 ca phơi nhiễm và có 7 người trong số đó bị tử vong. Từ tháng 8/2013 đến nay, số ca phơi nhiễm và tử vong do bệnh dại ở Nghệ An vẫn có chiều hướng tiếp tục tăng lên. 

Ứng phó với bệnh dại, trước mùa nắng nóng 2014, Chi cục Thú y Nghệ An đã chỉ đạo cấp phát vắc xin miễn phí về 21 điểm tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại tại 21 huyện thành thị để kịp thời tư vấn, tiêm phòng cho người dân.

Tuy nhiên qua khảo sát của chúng tôi, việc phòng chống bệnh dại ở một số địa phương hiện đang gặp không ít khó khăn, kết quả đạt thấp.
 

Một em nhỏ vẫn hồn nhiên chơi đùa với chó.
Một em nhỏ vẫn hồn nhiên chơi đùa với chó.

Trong 10 ngày cuối tháng 3/2014, Trạm thú y huyện Quỳ Châu đã tiêm 1.000 liều vắc xin phòng dại miễn phí cho đàn chó của 5 địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, con số này chẳng thấm tháp vào đâu so với tổng đàn khoảng 12.500 con chó trên địa bàn toàn huyện.

“Ngoài 5 địa bàn trọng điểm gồm thị trấn Tân Lạc, xã Châu Hạnh, Châu Tiến, Châu Hội, Châu Bình đã tiêm phòng dại cho đàn chó, Trạm cũng đã yêu cầu các xã còn lại thống kê nhu cầu, đăng ký số lượng để trạm chuẩn bị vắc xin nhưng chỉ có mỗi xã Châu Hoàn đăng ký với số lượng rất hạn chế (40 liều)”, bà Nguyễn Thị Vinh, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Quỳ Châu, cho biết.

Năm ngoái, huyện Quỳ Châu ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại sau khi bị chó cắn. Riêng từ đầu năm 2014 tới nay, huyện này ghi nhận có 30 người bị chó cắn, hầu hết ở vùng sâu, vùng xa. Bác sỹ Hủn Vi Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quỳ Châu, cho biết mấy năm nay không có bệnh nhân nào đến trung tâm để tiêm phòng dại dù công tác tuyên truyền đã được triển khai xuống tận xã.

Ở huyện Quế Phong, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2014, toàn huyện mới tiêm phòng được 1.000 liều vắc xin phòng dại cho chó trên tổng đàn 25.000 con. Nhiều xã không đăng ký tiêm phòng dại cho đàn chó trên địa bàn. Theo bác sỹ Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong: “Trong năm 2013, huyện có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Vào đầu tháng 3 năm nay có thêm 1 trường hợp khác tử vong vì chủ quan không tiêm phòng sau khi bị răng chó va quệt gây xây xát”.

Nhiều người dân vẫn chưa ý thức tầm quan trọng của việc tiêm phòng dại cho chó.
Nhiều người dân vẫn chưa ý thức tầm quan trọng của việc tiêm phòng dại cho chó.

Không chỉ người dân miền núi mới bàng quan với nguy cơ bệnh dại mà người dân ở khu vực TP Vinh cũng ít chú ý đến việc tiêm phòng cho chó. Cuối tháng 5, nhân viên thú y của từng xã đã đến từng địa bàn để tiêm phòng dại. Tuy nhiên, nhiều người dân không muốn tiêm phòng cho chó. Chị H.T.T (xóm 14, Nghi Kim, Tp Vinh) cho biết: “Chó nhà chị mới sinh con được 1 tháng. Tiêm phòng trong thời thời tiết nắng nóng như thế này sợ nó chết mất. Mấy năm rồi nuôi có bị sao đâu”.

Theo tính toán của ngành thú y, một liều vắc xin phòng dại cho chó chỉ khoảng 10-15 nghìn đồng - cách rẻ tiền và hữu hiệu nhất và an toàn nhất đề phòng bệnh dại lây lan sang người. Tuy nhiên, ý thức phòng dịch chưa cao, người dân còn mang nặng tính chủ quan trong công tác phòng chống bệnh dại trong khi mùa nắng nóng đã bước vào cao điểm khiến nguy cơ bệnh dại đang ở mức báo động.

Hoàng Lam