Ngày xuân, đừng để rượu làm mất lý trí

(Dân trí) - Rượu chè, cờ bạc từ xưa đã gây biết bao đau khổ oán sầu. Vì vậy các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng có những luật lệ, biện pháp nghiêm cấm uống rượu. Chẳng hạn năm 1473, Vua Lê Thánh Tông ban chỉ cấm uống rượu. Ai trái lệnh sẽ bị phạt trượng.

Năm 1718, Chúa Trịnh Cương ban hành Luật Cấm uống rượu, nhằm ngăn chặn nạn uống rượu bê tha trong quan lại và dân chúng. Thời nhà Nguyễn, có một người coi kho trót nghiện rượu. Hàng ngày, mỗi khi thèm rượu, anh ta lấy một đồng tiền để mua rượu uống. Vụ việc đến tai Vua Tự Đức. Vua nổi giận phán: ''Mỗi ngày lấy một đồng, ngàn ngày lấy ngàn đồng. Nếu không trị tội sớm thì một ngày kia kho tàng Nhà nước bị trống rỗng. Phải xử chém ngay !''. Ba phút sau, kẻ phạm tội đã rơi đầu...

Thế nhưng, ngày nay vẫn có nhiều người suốt ngày say xỉn be bét, gây ra vô số hậu quả cho gia đình và xã hội, mà những câu chuyện dưới đây cho thấy sự tác hại ghê gớm của rượu. Nguyễn Lê Bình ở huyện Ninh Hòa- Khánh Hòa vốn con nhà gia giáo nhưng thường uống rượu say về quậy phá trong gia đình. Một hôm sau khi cùng bạn bè uống rượu say về nhà quậy phá bị cha mắng, Bình kình cải rồi lấy ghế đánh luôn vào đầu cha mình làm ông bị chấn thương chết tại bệnh viện. Không những phải vào tù ngồi gỡ 20 cuốn lịch mà anh ta còn mang tội ''đứa con bất hiếu'' với lương tâm luôn dằn vặt, cắn rứt vì rượu mà mất lý trí.

Sau Tết nguyên đán chưa được bao lâu, do trúng tuyển nghĩa vụ quân sự nên Võ Xuân Bảo trú tại Bình Ba, Cam Bình, TX. Cam Ranh làm một bữa tiệc rượu mời Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Minh Hổ, Nguyễn Hữu Danh và Lê Văn Toàn (bạn cùng thôn) đến liên hoan chia tay để lên đường nhập ngũ.

Tất cả cùng vui vẻ, ăn uống đến 14h thì rủ nhau xuống Bãi Nồm mua 2 lít rượu uống tiếp, đến khoảng 16h30, không biết do say hay loạng choạng thế nào mà Khánh lại vấp té trước mặt Danh. Danh nói: ''Ông quậy phải không?''. Khánh bảo: ''Danh nói hỗn''. Thế là từ chuyện chẳng có gì to tát nhưng do ma men sai khiến, hai người xông vào ôm vật nhau ''thượng cẳng chân, hạ cẳng tay'' khiến Hùng cùng các ''chiến hữu'' còn lại bực tức hùa vào bênh Danh đuổi đánh Khánh. Yếu thế, sẵn bực tức trong người, Khánh chạy vào một căn nhà gần đó lấy luôn một lúc 2 con dao quay ra tính sổ với đám bạn. Kết quả kẻ vào tù người ra ma.

Ngày Tết không nên nhậu quá chén.
Ngày Tết không nên nhậu quá chén.

Phải chăng, vì uống quá nhiều rượu mà họ đã không làm chủ được mình? Chỉ vì một chút mâu thuẫn nhỏ là họ đã ra tay cướp đi sinh mạng của một người bạn, người mà ngay trước đó cùng ngồi với họ uống rượu. Tất nhiên, các hành vi ấy đều không tránh khỏi được sự trừng phạt của pháp luật. Với mức án mà tòa đã tuyên xử Hùng 5 năm tù, Khánh 12 năm tù đã làm cho nhiều người đến dự phiên tòa hôm ấy phải suýt xoa tiếc nuối, giá như họ biết dừng lại, đừng say sưa quá chén thì đâu đến nỗi...

Trong những ngày cuối và đầu năm, ta có thói quen ''chén anh chén tôi, chén chú chén bác'' để đón Xuân. Khi ra về tâm hồn lâng lâng, đầu óc ngà ngà trí não phiêu diêu, là lúc tai nạn gần kề. Tai nạn giao thông là hiện tượng thường gặp trong những ngày Tết. Thống kê của của Cảnh sát Giao thông cho thấy, tai nạn giao thông đều tăng trong những ngày Tết do lái xe lúc say. Y học đã chứng minh rằng nồng độ rượu trong máu 1/1000 sẽ làm cho tài xế có những hoạt động bất bình thường và ít làm chủ được tốc độ xe, nồng độ tăng từ 1/500 đến 1/100 nhiều tai nạn có thể xảy ra. Hiện nay, nhiều nước đã ra đạo luật giới hạn dân chúng uống rượu ngay cả trong những ngày hội lớn để ngăn ngừa tai nạn chết người. Riêng tài xế say rượu lúc lái xe sẽ bị phạt án tù nặng và bị rút bằng lái vĩnh viễn.

Cho nên, nhân dịp Xuân về Tết đến, vui Xuân nhâm nhi ly rượu, đừng để rượu làm mất lý trí, tự biến mình thành tội phạm, khi biết ân hận thì đã vào tù. Bài học không quá muộn để thức tỉnh những ai còn đánh bạn với rượu nhất là trong những dịp lễ Tết, hội hè, đình đám.

Quang Thịnh