1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ngày nào cũng có tai nạn ngã giàn giáo

(Dân trí) - Mỗi tháng bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hàng chục ca tai nạn nghiêm trọng do ngã giàn giáo. Có đến 50% trường hợp nhập viện bị liệt hoàn toàn hoặc tử vong sau đó.

Ngày 27/3, Khoa Cấp cứu bệnh viện Việt Đức tiếp nhận nam bệnh nhân N.V.L (25 tuổi, ở Hiệp Hoà, Bắc Giang) bị ngã từ giàn giáo cao 1,5m xuống đất. Các bác sĩ cho biết, anh L bị đa chấn thương, nặng nhất là vết thương sọ não (vỡ xương trán), máu tụ màng não, dập phổi, gãy đốt sống cổ thứ 3. Dù đã trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài nhưng các bác sĩ không thể giúp anh tránh khỏi bán án tàn khốc: liệt hoàn toàn!

Ngay trước đó, kíp bác sĩ cũng vừa tiếp nhận một ca tai nạn ngã giàn giáo khác. Nạn nhân là N.V.T (nam, 27 tuổi, ở Phủ Lý - Hà Nam). Do không đủ phương tiện bảo hộ, lại chủ quan khi làm việc ở giàn giáo có độ cao 3m, anh T đã bị ngã xuống đất. Hậu quả, nạn nhân bị chấn thương sọ não, dập phổi, chấn thương cột sống, chấn thương bụng kín… và đã tử vong sau đó vài giờ.

Theo các bác sĩ của bệnh viện, tai nạn ngã giàn giáo trong vài năm trở lại đây đang có xu hướng gia tăng. Hầu như ngày nào cũng có tai nạn ngã giàn giáo chuyển đến cấp cứu. Nạn nhân thường là nam giới trong độ tuổi lao lao động, từ 18 - 50, là đàn ông, trụ cột của gia đình. Nơi xảy ra tai nạn nhiều nhất là ở các công trình xây dựng. Đáng báo động là có tới 50% trường hợp chuyển đến trong tình trạng rất nặng nề: gãy đốt sống cổ, chấn thương sọ não… dẫn tới tử vong.

Với những trường hợp nhẹ hơn thì cũng để di chứng lâu dài, có thể làm mất đi 20 - 40% khả năng lao động của bệnh nhân, mặc dù tốn nhiều tiền bạc và thời gian điều trị.

Hồi chuông cảnh báo đối với tai nạn lao động đã gióng lên từ lâu nhưng dường như đa phần vẫn lơ là, chủ quan, không chấp hành an toàn lao động. Hậu quả rõ ràng nhất là mỗi năm xảy ra gần 6.000 vụ tai nạn lao động, hàng trăm người thiệt mạng trên cả nước. Thiệt hại kinh tế khoảng ước tính gần 60 tỷ đồng/năm.

P. Thanh