Ngành y tế TPHCM quá tải với vấn đề ATVSTP

(Dân trí) - Nhân lực yếu và thiếu, ngộ độc thực phẩm không giảm, việc cấp giấy chứng nhận hầu như không thể hoàn thành dù đã gia hạn nhiều năm, những chồng chéo của các cơ quan quản lý... đã khiến ngành y tế TPHCM bị “trói”.

Đây là lời nhận xét của Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Ban Văn hóa - Xã hội TPHCM tại buổi báo cáo của Sở Y tế ngày 26/3. Chính Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế, cũng phải nhìn nhận: “Việc quản lý y tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập mà ngành không thể tự giải quyết”.

 

Tính đến nay, cả 3 cấp thành phố, quận, phường chỉ mới cấp được trên 26.000 giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, chỉ đạt 1/3 so với tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Trong đó, bếp ăn đạt hơn 60%, bếp ăn trường học đạt gần 72%, các loại hình căn tin cũng chỉ đạt gần 71% và các điểm kinh doanh ăn uống ở bệnh viện cũng chỉ đạt 70%.

 

Nguyên do là có đến 3 nhóm cơ sở cố tình né tránh đăng ký gồm có nhóm cơ sở biết chắc mình không thể đạt tiêu chuẩn xét cấp, thứ hai là các cơ sở không chấp hành việc đăng ký. Nhẹ nhất là các cơ sở có đăng ký xét nhưng chưa đạt và đang trong thời gian tái xét.

 

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho biết có sự bất cập trong việc xử phạt những cơ sở không có giấy chứng nhận là không khả thi như người bán hàng rong thì làm gì có 10 hay 15 triệu để đóng phạt.

 

Đối với vấn đề kinh doanh phụ gia thực phẩm, đến nay chỉ mới có 25/52 cơ sở kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm được cấp giấy chứng nhận và cam kết không bày bán các loại hóa chất chung với phụ gia thực phẩm.

 

Tuy nhiên, hiện vẫn còn đến 27 cơ sở kinh doanh chung quanh chợ Kim Biên chưa cam kết. Theo cán bộ Sở Công thương thì, muốn giải quyết tận gốc vấn đề kinh doanh hóa chất phụ gia cần phải tập trung kiểm soát ở 2 quận 11 và quận Bình Tân.

 

Đại biểu Cái Phúc Thắng bức xúc đối với vấn đề nước sạch (cả nước uống và nước sinh hoạt). Ông yêu cầu Sở Y tế cần quan tâm nhiều hơn đến mặt hàng thiết yếu này.

 

Ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế tiết lộ lý do vì sao thanh tra sở đi thanh tra các cở nước uống đóng chai, đóng bình đến đâu là đình chỉ kinh doanh đến đó. Bởi, tất cả các cơ sở này đều nằm trong danh sách đen từ báo cáo của các trung tâm y tế dự phòng địa phương cũng như do người dân chỉ dẫn cho thanh tiết.

 

Đại biểu Dương Minh Quang yêu cầu thanh tra sở chú ý hơn việc hậu kiểm, có hậu kiểm thì mới mong các cơ sở nghiêm chỉnh trong sản xuất kinh doanh. 

 

Đại diện Sở Công thương nhìn nhận có đến 118 chợ tự phát trên địa bàn thành phố, chỉ hy vọng xóa bỏ toàn bộ chợ tự phát vào năm 2015. Cũng theo đại diện Sở Công thương hiện có đến 61,5% chợ truyền thống xuống cấp trầm trọng mà không có kinh phí để cải tạo, trong đó có 92% là chợ nhỏ.

 

Ngọc Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm