Ngành y tế TPHCM “mướt mồ hôi” vì bệnh tay chân miệng

(Dân trí) - Trong tháng 8, bệnh nhân mắc TCM đến khám và điều trị tại các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh Nhiệt Đới có tuần lên tới trên 500 ca. Ngành y tế TPHCM “mướt mồ hôi” vì bệnh đã vượt dự tính tối đa của các chuyên gia dịch tễ học.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng, trong tháng 8 trên toàn địa bàn thành phố ghi nhận 2.258 ca bệnh tay chân miệng (TCM). Con số này đã tăng lên gần gấp đôi so với tháng 7 (1.212 ca). Tính từ đầu năm đến nay thì số ca bệnh trong tháng 8 đã xô đổ mọi kỷ lục của những tháng trước đó. Như vậy trong 8 tháng đầu năm toàn thành phố đã có 7.804 trẻ mắc TCM, trong đó có 6 ca tử vong. Con số mắc bệnh xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái 7.843 ca nhưng số ca tử vong thấp hơn nhiều (cùng kỳ 2011 có 2 trường hợp tử vong).

Số ca mắc bệnh TCM đang bứt tốc và diễn biến khó lường
Số ca mắc bệnh TCM đang "bứt tốc" và diễn biến khó lường


Trong tháng 8, bệnh nhân mắc TCM đến khám và điều trị tại các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới có tuần lên tới trên 500 ca. Số bệnh nhân mắc TCM tăng cao khiến ngành y tế “mướt mồ hôi” vì bệnh đã vượt dự tính tối đa của các chuyên gia dịch tễ học.

BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố nhận định, đỉnh dịch cao nhất của năm 2011 rơi vào tháng 5 tháng 6 thì năm nay, sau khoảng thời gian đầu năm ngành y tế khống chế tốt TCM thì đỉnh dịch năm nay lại chuyển về tháng 8 và tháng 9.
 
Ngoài ra, tuy số ca bệnh tăng nhanh nhưng đa số đều là bệnh nhẹ, nguy cơ tử vong thấp. Cũng chính yếu tố này đang tạo tâm lý chủ quan trong công tác phòng chống dịch ở cộng đồng. Nếu không tích cực triển khai công tác phòng chống thì từ nay đến cuối năm, TCM sẽ diễn biến rất khó lường.

Biểu đồ cho thấy bệnh tăng nhanh tại nhiều quận huyện
Biểu đồ cho thấy bệnh tăng nhanh tại nhiều quận huyện

 

Trước tình hình dịch bệnh đang nóng từng ngày, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố đã trực tiếp thị sát tại nhiều quận huyện như Bình Tân, quận 8, Tân Phú. Thực tế cho thấy người dân không còn mặn mà với công tác vệ sinh khử khuẩn hàng tuần bằng hóa chất Chloramin B. Bên cạnh đó, tình trạng dân nhập cư có con mắc bệnh liên tục di chuyển nơi ở trọ khiến công tác kiểm soát dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của Sở Y tế hiện có khoảng hơn 30% số trẻ mắc TCM dùng địa chỉ “ảo” để đến bệnh viện khám và điều trị, khi ngành y tế tìm đến địa chỉ ghi trong hồ sơ để theo dõi bệnh thì mới vỡ lẽ.

Trong mùa tựu trường, BS Nguyễn Tấn Bỉnh yêu cầu ngành y tế tại các quận huyện, phường xã phải đặc biệt chú ý đến công tác kiểm soát dịch bệnh tại trường học. “Đây là điểm có yếu tố nguy cơ cao nhất. Tất cả các trường công lập, dân lập, nhà trẻ cần phải theo dõi chặt chẽ, giám sát hướng dẫn để khống chế không cho bệnh dịch xuất hiện và lây lan”.

Thành phố đang đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch
Thành phố đang đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch

 
Cùng với số ca bệnh trên địa bàn, các bệnh viện tại TPHCM đang phải tiếp nhận điều trị ít nhất 50% số bệnh nhân từ các tỉnh lân cận chuyển về. Tình trạng này đang khiến các bệnh viện nhi rơi vào quá tải.
Cùng với bệnh TCM số ca mắc SXH cũng đang rục rịch tăng so với tháng 7. SXH năm nay tỷ lệ tử vong cao hơn so với năm trước, ngoài tình trạng sốc bệnh nhân còn bị tổn thương đa cơ quan nhưng chưa thể xác định được nguyên nhân. Để tránh tình trạng dịch chồng dịch, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu mỗi ca bệnh khi nhập viện phải chẩn đoán sớm và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy".
 

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố khuyến cáo người dân, để tránh cho trẻ mắc bệnh TCM cần tăng cường vệ sinh hàng hàng ngày khử khuẩn hàng tuần tại những khu vực trẻ sinh sống và vui chơi. Rửa sạch tay trẻ và tay người chăm sóc trẻ bằng xà phòng; lau sàn nhà, ngâm và rửa sạch đồ chơi, các dụng cụ khác của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn.

Để tránh mắc bệnh SXH phải thường xuyên ngủ mùng; khơi thông cống rãnh; lật úp hoặc đẩy kín dụng cụ không sử dụng đến có khả năng đựng nước mưa; phát quang bụi rậm; giữ nhà cửa thông thoáng để muỗi gây bệnh không còn chỗ sinh sôi phát triển.







Vân Sơn


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm