1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ngành y: Không thể đưa ra kết luận ngay khi có thông tin

(Dân trí) - Trước những sự việc xảy ra trong ngành y tế, nhiều đại biểu cho rằng, chính việc chậm trễ thông tin vô hình trung tạo hiệu ứng ngược, nhiễu loạn thông tin gây mất niềm tin trong xã hội, dễ khiến người dân có những phản ứng tiêu cực khi có tai biến y khoa xảy ra. Tuy nhiên, Bộ Trưởng Y tế cũng chia sẻ, với đặc thù của ngành, có những thông tin không thể có kết luận ngay được.

Tại Hội thảo Phát huy vai trò của thông tin và truyền thông trong chăm sóc sức khỏe nhân dân diễn ra ngày 7/12, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông đánh giá, việc đưa tin về lĩnh vực y tế rất đặc biệt. Bởi đây là lĩnh vực lớn, liên quan đến sinh mệnh con người. Do vậy đòi hỏi đội ngũ phóng viên, cơ quan truyền thông phải có am hiểu và có kĩ năng thông tin phù hợp, phải có đạo đức và có khả năng đánh giá tác động thông tin, tránh gây hiểu lầm, tạo dư luận không tốt, thậm chí gây kích động trong xã hội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng chủ trì buổi hội thảo. Ảnh: T.Dũng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng chủ trì buổi hội thảo. Ảnh: T.Dũng

Theo đó, vụ chất lượng nước mắm, tuyên truyền về Zika quá mức trầm trọng được Bộ trưởng Tuấn nhắc lại, yêu báo chí cần khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, tuyên truyền y tế kịp thời nhưng phải chính xác, đặc biệt những vấn đề ảnh hưởng lớn, trên diện rộng liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Liên quan đến việc báo chí thông tin về các vấn đề của ngành y, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, Bộ luôn đề cao vai trò của thông tin truyền thông, xác định truyền thông phải đi trước một bước. Bởi ngành y là ngành nhạy cảm, động chạm đến sức khỏe tính mạng, luôn có những sự cố rình rập.

Cũng theo Bộ trưởng Tiến, ngành y đã có rất nhiều sự tiến bộ nhờ được truyền thông phản ánh, đưa tin. Theo bà, so với 5 năm trước đây, nhiều vấn đề của ngành y, như quá tải bệnh viện, thái độ, giao tiếp của cán bộ y tế với nhân dân đã được cải thiện rất nhiều, đó là nhờ sự phản ánh của báo chí, sự quyết liệt của Bộ Y tế trong việc xây dựng hình ảnh, bộ mặt mới của ngành y.

“Bên cạnh đó, truyền thông đã giúp người dân nhận thức được cách phòng, chữa bệnh, giúp cộng đồng, đối tác hiểu được ngành y”, Bộ trưởng Tiến đánh giá.

Bà Tiến dẫn chứng về sự phủ sóng của BHYT, đó là nhờ hiệu quả của truyền thông. Trước đây, nhiều người quan niệm chỉ khi có bệnh mới mua thẻ BHYT, báo chí đã tuyên truyền để người dân nhận thức được BHYT là sự chia sẻ, là sự đảm bảo về tài chính nếu không may đổ bệnh.

Người đứng đầu ngành y tế cũng thừa nhận, chính bản thân bà đã đụng chạm, đã làm việc, học tập, rút kinh nghiệm và tạo nên kết quả cũng là nhờ truyền thông.

Trước ý kiến của các đại biểu khi trình bày tham luận, đó là dù ngành y tế đã cởi mở hơn với truyền thông, tuy nhiên trong nhiều vụ việc vẫn có sự chậm trễ gây ra “khủng hoảng”, như vụ dịch sởi năm 2014, vụ 3 trẻ tử vong tại Quảng Trị do Quinvaxem và gần đây là vụ nước mắm nhiễm asen, bà Tiến cho biết, Bộ Y tế sẽ rút kinh nghiệm, sẽ khắc phục và chủ động cung cấp thông tin một cách minh bạch, tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông có được thông tin sớm, chính xác, trung thực, tránh gây hoang mang dư luận xã hội.

Bà Tiến cũng chia sẻ, với những đặc thù của ngành y, có những thông tin không thể vừa xảy ra là có kết luận ngay được.

Bà Tiến dẫn chứng về vụ nước mắm, vụ hải sản miền Trung, Bộ Y tế rất muốn công bố sớm, nhưng muốn có kết quả chính xác cần tiến hành xét nghiệm, phải có thời gian, xét nghiệm nhiều mẫu mới đưa ra được kết quả chính xác, mang tính đại diện.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh các kênh thông tin phản ánh về các hoạt động của ngành y tế. Từ fanpage Bộ trưởng, facebook cá nhân đến các kênh thong tin trên Zalo…

Ông Tuấn chia sẻ thực tế, trong làng báo có những người bẻ cong ngòi bút, dung ngòi bút làm việc không đúng. Hiện tượng này cũng như con sâu bỏ rầu nồi canh, trong khi phần lớn nhà báo là tốt. Khiến nhiều người nhìn nhà báo với ánh mắt kém thiện cảm, không dễ chịu chút nào.

Vì thế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi các nhà báo phải làm báo sạch, làm báo phải có lương tâm. Làm báo phải đặt tâm lên trên, không thể làm báo bất lương.

Hồng Hải