1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ngăn chặn sốt xuất huyết bằng tiêm vắc xin cho… muỗi

(Dân trí) - Ngày 10/6, giáo sư Scott O’neill, Trưởng khoa Khoa học sinh học (Đại học Monash, Úc), “cha đẻ” của ý tưởng tiêm “vắc xin” cho muỗi để ngăn chặn sự lây lan của dịch sốt xuất huyết đã có buổi báo cáo trước hàng trăm nhà khoa học Việt Nam về ý tưởng này.

Ý tưởng chính của giáo sư Scott O’neill là truyền vi khuẩn wolbachia vào cơ thể muỗi aedes aegypti, có vai trò như “vắc xin” của muỗi và làm giảm khả năng truyền sốt xuất huyết sang người. Sau đó, giống muỗi có wolbachia này sẽ được nuôi, nhân giống và thả ra các quần thể muỗi hoang dã để kết hợp với muỗi ngoài tự nhiên, lan truyền vi khuẩn wolbachia ra cả quần thể muỗi. Từ đó, hạn chế khả năng lây truyền sốt xuất huyết.

Giáo sư Scott O’neill là nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực khoa học sinh học
Giáo sư Scott O’neill là nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực khoa học sinh học

Hiện phương pháp này đang được nghiên cứu, thử nghiệm thực địa trên nhiều nước (trong đó có Việt Nam) trong khuôn khổ chương trình “Nghiên cứu xóa bỏ sốt xuất huyết toàn cầu” do giáo sư Scott O’neill phụ trách. Giáo sư Scott O’neill đã có buổi trao đổi cùng chúng tôi về nghiên cứu này:

Thưa giáo sư, tại sao đưa vi khuẩn wolbachia vào cơ thể muỗi có khả năng hạn chế lây truyền sốt xuất huyết?

Wolbachia sẽ làm giảm khả năng bị nhiễm vi-rút của các loài côn trùng, trong đó có vi-rút gây sốt xuất huyết. Nếu muỗi aedes aegypti, giống muỗi chính làm trung gian lây truyền dịch sốt xuất huyết có wolbachia trong cơ thể sẽ hạn chế khả năng nhiễm vi-rút gây sốt xuất huyết. Nếu muỗi không nhiễm vi-rút sốt xuất huyết thì chúng không thể truyền vi-rút này sang cho người.

Vì sao giáo sư lại nảy ra ý tưởng này?

Tôi vốn là một nhà nghiên cứu côn trùng y học. Ban đầu chúng tôi nghiên cứu truyền wolbachia từ côn trùng (ruồi giấm) sang muỗi với mục tiêu hạn chế sự phát triển của chúng. Bởi khi muỗi nhiễm wolbachia thì vòng đời của chúng bị kéo ngắn lại chỉ còn một nữa (khoảng 15 ngày). Mà muỗi chỉ lây truyền vi-rút gây sốt xuất huyết cho người khi chúng đạt 6 - 10 ngày tuổi. Như vậy, phương pháp này hạn chế tỷ lệ lây truyền vi-rút sốt xuất huyết đến mức rất thấp.

Tuy nhiên, một phát hiện bất ngờ khi tiến hành nghiên cứu này là vi khuẩn wolbachia còn có khả năng ức chế, giúp cá thể muỗi không bị nhiễm vi-rút sốt xuất huyết và hoạt động như 1 liều “vắc xin” cho muỗi. Khi đó, tác dụng giảm vòng đời muỗi của vi khuẩn wolbachia hầu như không còn quan trọng mấy nữa.

Vấn đề là làm sao “cấy” vi khuẩn này vào muỗi trên toàn thế giới?

Đó là 1 thách thức đối với chúng tôi. Wolbachia chỉ có thể truyền từ muỗi bố mẹ sang con qua trứng của muỗi cái. Chúng tôi hy vọng là cấy vi khuẩn wolbachia vào quần thể muỗi hoang dã qua các đợt phát tán có kiểm soát muỗi nhiễm wolbachia vào môi trường khi chúng phối giống với muỗi trong tự nhiên.

Nếu thành công, chúng tôi tin rằng phương pháp kiểm soát bằng vi khuẩn wolbachia sẽ góp phần đáng kể làm giảm nguy cơ mắc sốt xuất huyết cho khoảng 2,5 tỷ người.

Ý tưởng này đã được chứng minh ngoài thực địa chưa hay chỉ mới là kết quả trong phòng thí nghiệm?

Chúng tôi đã tiến hành nhiều nghiên cứu thực địa tại nhiều địa điểm ở Úc. Cứ cách 1 tuần chúng tôi lại thả 1 đợt muỗi nhiễm wolbachia vào tự nhiên, liên tục trong 10 tuần như vậy. 10 tuần sau nữa chúng tôi bắt muỗi trong quần thể này về xét nghiệm thì thấy hơn 90% đã nhiễm wolbachia. Và sau hơn 2 năm, tỷ lệ này vẫn không giảm sút. Điều đó cho thấy, wolbachia hoàn toàn có thể phát tán ra các quần thể muỗi và duy trì trong thời gian dài.

Tại Việt Nam, nghiên cứu này thực hiện đến đâu?

Tại Việt Nam, qua tham khảo ý kiến của Bộ Y tế, chúng tôi thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên (Khánh Hòa). Vào ngày 3/4/2013, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm thực địa tại đây. Mục tiêu của chúng tôi là xem thử có đưa vào và cố định được vi khuẩn wolbachia lên quần thể muỗi aedes aegypti hoang dã trên đảo Trí Nguyên hay không, và xem thử quá trình lan truyền tốt đến mức nào.

Nếu wolbachia lan truyền thành công và xâm nhiễm trên quần thể muỗi hoang dã, chúng tôi sẽ chuyển sang một thử nghiệm thực địa lớn hơn ở địa bàn khác, đồng thời cũng đánh giá tác động khống chế bệnh của muỗi nhiễm wolbachia.

Câu hỏi cuối cùng, không biết muỗi nhiễm wolbachia có gây hại cho người và môi trường không?

Wolbachia là 1 loài vi khuẩn tồn tại trên khoảng 70% tất cả các loài côn trùng khác nhau quanh chúng ta, trong đó có cả muỗi nhưng phần lớn các loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt rét lại không có. Nói như thế để thấy wolbachia có rất nhiều trong tự nhiên và chúng không gây hại gì cho môi trường, nếu có thì đã xảy ra từ lâu rồi.

Loài vi khuẩn này cũng không thể lây lan sang người. Người bị muỗi nhiễm wolbachia đốt cũng không cảm nhận sự khác biệt hay có hại gì. Trong quá trình thực nghiệm, kỹ thuật viên của chúng tôi phải chịu cho muỗi nhiễm wolbachia đốt hàng ngàn lần trong vòng 2 năm liên tục nhưng vẫn không có điều gì bất thường xảy ra.

Vả lại, khi nghiên cứu thực địa chúng tôi đều xin ý kiến cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư địa phương. Như nghiên cứu tại đảo Trí Nguyên, 95% hộ gia đình cư trú trên đảo ủng hộ cho tiến hành thử nghiệm. Chúng tôi chỉ mở rộng khi chính phủ cho phép.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Tùng Nguyên ghi