“Nếu cộng đồng thiếu cảnh giác, sốt xuất huyết còn tăng cao”
(Dân trí) - Để đẩy lùi dịch sốt xuất TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur, TPHCM kêu gọi “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài” trong cuộc chiến với căn bệnh này. Trao đổi với phóng viên, ông đã chỉ ra những biện pháp cần làm ngay để dập dịch.
Xin ông cho biết tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) tại khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung? Dự báo bệnh từ nay đến cuối năm?
Đến nay, số mắc SXH miền Nam tăng 34% so cùng kỳ năm 2016, tập trung chủ yếu tại các địa phương có sự phát triển nhanh về công nghiệp, thu hút lượng lớn người lao động nhập cư, có mật độ dân số cao và có nhiều vật chứa nước, vật chứa nước đa dạng, dễ phát tán mầm bệnh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, số mắc SXH năm nay cao hơn năm trước và cứ mỗi 10 năm, số mắc SXH lại gia tăng gấp đôi. Nước ta, đặc biệt là khu vực phía Nam là nơi lưu hành SXH nên tình hình không khác biệt so với xu hướng thế giới, số ca SXH dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Riêng năm nay, với nền số ca SXH cao từ đầu năm, do vậy, trong suốt mùa mưa, tình hình SXH sẽ còn tăng cao hơn nữa nếu không có các biện pháp kiểm soát véc tơ hiệu quả.
Nhận định của ông về nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát trong năm nay?
Sự gia tăng ca mắc SXH xảy ra khi có sự thay đổi của 1 trong 4 yếu tố (tác nhân gây bệnh, véc tơ truyền, khối cảm thụ và biện pháp phòng chống) theo hướng bất lợi. Năm nay, nước ta có sự chuyển đổi chủng gây bệnh, số người chưa có miễn dịch với chủng này tăng, nên tăng nguy cơ mắc bệnh.
Mùa mưa đến sớm hơn mọi năm, gia tăng nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển. Trong khi đó, các vật chứa (nước) nguy cơ chưa được dọn dẹp, là nơi lý tưởng cho muỗi vằn sinh sản. Mỗi muỗi cái có thể đẻ 4 đến 5 lần; mỗi lần 100 đến 200 trứng, vốn có sức chịu hạn cao, có thể tồn tại qua mùa khô. Do vậy, mật độ muỗi cao hơn bình thường, ngay từ đầu năm.
Quần thể miễn dịch cũng có thay đổi do quá trình đô thị hóa và giao lưu đi lại cao. Vấn đề toàn cầu hóa, giao thương, đi lại là điều kiện tất yếu trong phát triển kinh tế xã hội. Do đó, việc di biến động dân cư vô hình chung giúp mang mầm bệnh SXH đến một nơi mới, hoặc ngược lại, người chưa có miễn dịch đến nơi có lưu hành bệnh SXH đều dẫn đến khả năng bùng phát dịch SXH.
Với kinh nghiệm phòng chống dịch sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam, mong ông cho biết những việc cần làm ngay để khống chế và dập dịch trên cả nước?
Cho đến nay, không có biện pháp đơn lẻ nào là tối ưu cho công tác phòng chống SXH. Ngành Y tế không thể đơn độc trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này mà cần sự chung tay của toàn xã hội, sự quyết liệt của chính quyền và ý thức trách nhiệm hành động của mỗi người dân. Do đó, cần tập trung cho một số việc sau:
Một là, thống nhất về chỉ đạo, điều hành và kiện toàn chuyên môn:
Lấy phòng bệnh làm then chốt, cần nhất quán ưu tiên tập trung đầu tư nguồn lực trong việc đảm bảo môi trường sạch lăng quăng, sạch muỗi vằn trước khi xảy ra dịch SXH. Bên cạnh đó, cần chủ động giám sát các chỉ số côn trùng (lăng quăng, muỗi vằn), các ca bệnh SXH nhằm dự báo sớm, kịp thời tham mưu cho chính quyền để huy động nguồn lực nhằm tổ chức can thiệp sớm và hiệu quả. Giám sát cũng giúp đánh giá hiệu quả của các biện pháp can thiệp.
Chú trọng đến truyền thông thay đổi hành vi theo hướng tích cực trong phòng chống SXH. Người dân cũng nên cảnh giác với các dấu hiệu bệnh SXH để đến cơ sở y tế sớm, qua đó, vừa giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị sẽ tốt hơn và đồng thời giúp xử lý ổ dịch sớm hiệu quả.
Đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ y tế cũng cần được chú trọng thường xuyên đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho cả công tác dự phòng và điều trị.
Hai là, nâng tầm vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, chính quyền các cấp:
Phun hóa chất chỉ là biện pháp tạm thời, hạ hỏa, nhằm tiêu diệt đàn muỗi có thể mang mầm bệnh SXH. Diệt lăng quăng mới là biện pháp căn cơ nhằm kiểm soát bệnh SXH. Tuy nhiên, thực tế, việc diệt lăng quăng chỉ được thực hiện tốt trong các chiến dịch, ít đảm bảo thực hiện bền bỉ, lâu dài.
Do đó, chính quyền các cấp cần vào cuộc một cách quyết liệt; đầu tư nguồn kinh phí, phân công, phân nhiệm cho từng thành viên giám sát, kiểm tra việc thực hiện diệt lăng quăng trong cộng đồng; ngành y tế đóng vai trò tham mưu kỹ thuật.
Mỗi người dân phải nhận thức rõ mình là một chiến sĩ và mỗi gia đình là một pháo đài trên mặt trận phòng, chống SXH. Mỗi gia đình, mỗi người phải luôn nâng cao cảnh giác, ý thức cao độ về sự nguy hiểm chết người của bệnh SXH; luôn chủ động kiểm tra, phát hiện và dẹp bỏ tất cả ổ lăng quăng, muỗi vằn tại nơi ở, nơi làm việc hàng tuần và đến ngay cơ sở y tế khi bị sốt cũng như phối hợp với y tế trong công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng và phun hóa chất kiểm soát ổ dịch.
Ba là, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chú trọng đến các phương pháp giám sát, dự báo dịch bệnh, sinh học virút, các biện pháp can thiệp trên đàn muỗi vằn, các vắc-xin phòng bệnh SXH.
Thưa ông, vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết có phải là giải pháp tối ưu để bảo vệ cộng đồng?
Thế giới đã có vắc xin phòng bệnh SXH dengue đầu tiên do Công ty Sanofi Pasteur sản xuất. Vắc xin này đã qua nhiều thử nghiệm lâm sàng trên người, thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt nam. Các nghiên cứu này đã chứng minh vắc xin an toàn và có hiệu quả ngừa bệnh sốt xuất huyết cho người từ 9 tuổi trở lên, đặc biệt là ngừa được SXH nặng và SXH nhập viện.
Hiện, vắc xin đã được ứng dụng ở khu vực nào trên thế giới?
Hiện đã có 17 quốc gia cấp phép lưu hành vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết với 11 quốc gia ở châu Mỹ và 6 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Đã có hai quốc gia gồm Braxin và Philippines đưa vắc xin ngừa sốt xuất huyết vào tiêm đại trà.
Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam và khả năng ứng dụng trong phòng bệnh cho cộng đồng?
Theo kết quả thử nghiệm, nếu sử dụng vắc xin ở nhóm tuổi từ 9 tuổi trở lên ở nước ta, sẽ giúp giảm được khoảng gần 50.000 ca SXH nhập viện, giúp hệ thống y tế giảm tải bệnh viện và chi phí điều trị. Song, trong thời gian đầu nếu có triển khai tiêm vắc xin, chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, đảm bảo môi trường sạch véc-tơ truyền bệnh SXH mới có thể phòng ngừa bệnh SXH một cách hiệu quả trong nhiều năm nữa.
Vân Sơn (lược ghi)