Nên đo nhiệt độ ở đâu khi sốt?

Sốt là một phản ứng tốt của cơ thể, tuy nhiên khi sốt cao quá lại có hại, để an toàn phải biết kiểm soát thân nhiệt nhằm tránh các tai biến do sốt.

Cơ thể con người là một cơ thể hằng nhiệt có nghĩa là một cơ thể bình thường, trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh thì vẫn luôn giữ được một nhiệt độ ổn định. Tuy nhiên sự phân bố nhiệt trong cơ thể thì không đồng đều.

 

Có hai loại thân nhiệt là thân nhiệt trung tâm và thân nhiệt ngoại vi. Thân nhiệt trung tâm là nhiệt độ ở phần sâu trong cơ thể, chính xác nhất là đo tại vùng mạch máu và mô quanh trung tâm điều hòa nhiệt ở não. Thân nhiệt trung tâm phân bổ dọc từ não xuống phần sâu của đầu, mặt, cổ, thân mình, bình thường dao động xung quanh 36,2 - 37,2 độ C.

 

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

 

Thân nhiệt trung tâm được đo ở hậu môn hoặc là màng nhĩ qua ống tai. Nhiệt độ ở tứ chi và phần nông của cơ thể là thân nhiệt ngoại vi. Thân nhiệt ngoại vi có thể đo ở nách hoặc miệng, nhiệt độ đo ở những vị trí khác nhau có sự chênh lệch. Cụ thể:

 

Nách: Thấp hơn ở hậu môn 0,7 độ C

 

Tai: Thấp hơn ở hậu môn 0,5 độ C

 

Miệng: Thấp hơn ở hậu môn 0,5 độ C

 

Dựa trên nguyên lý đó mà các thiết bị đo thân nhiệt ra đời. Có nhiều loại nhiệt kế khác nhau:

 

Nhiệt kế số: Cho biết kết quả rất nhanh, chính xác và có thể dùng để đo thân nhiệt ở miệng, hậu môn, nách. Nhiệt kế có nhiều loại với kích thước, hình dáng khác nhau và có thể mua ở các nhà thuốc hoặc siêu thị. Cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.

 

Nhiệt kế điện đo nhiệt độ ở tai: Loại nhiệt kế này cho kết quả nhanh, chính xác, dễ dùng và hiện nay rất phổ biến. Tuy nhiên, không nên dùng đối với các trẻ dưới 3 tháng tuổi vì lỗ tai các em nhỏ và cho kết quả không được chính xác.

 

Nhiệt kế băng nhựa đặt trên trán, không chính xác.

 

Nhiệt kế dưới hình thức núm vú, loại nhiệt kế này tiện lợi nhưng cho kết quả không chính xác.

 

Nhiệt kế thủy ngân, đây là loại nhiệt kế rất thông dụng, tuy nhiên không nên dùng cho trẻ nhỏ nhất là theo đường miệng vì trẻ có thể cắn vỡ nhiệt kế, dẫn tới nguy cơ ngộ độc thủy ngân.

 

Sốt là một phản ứng tốt của cơ thể, tuy nhiên khi sốt cao quá thì lại có hại, đặc biệt ở trẻ nhỏ, phản ứng điều nhiệt kém. Khi nhiệt độ tăng cao có thể làm cho trẻ co giật, nặng hơn là làm cho các cơ quan trong cơ thể bị rối loạn hoạt động và rất dễ dẫn đến tử vong. Khi trẻ sốt nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được xác định nguyên nhân và biện pháp xử trí thích hợp. Tuy nhiên để an toàn phải biết theo dõi và kiểm soát thân nhiệt cho trẻ để tránh các tai biến do sốt gây ra.

 

Khi đo nhiệt độ cho trẻ nên đo ở nách là an toàn hơn, trước khi đo nhớ vẩy ống nhiệt xuống dưới 35,5 độ C (hay bấm nút cho đến lúc có số 0 ở máy điện tử).

 

Khi đặt ống nhiệt vào nách trẻ, phải đảm bảo kẹp đúng giữa phần da.

 

Chờ tối thiểu 5 phút với ống thuỷ (hay đến khi có tiếng bíp của máy điện tử) mới đọc kết quả.

 

Cộng thêm 0,5 độ C để có được thân nhiệt trung tâm.

 

 Theo ThS Vũ Hồng Anh

Sức khỏe & Đời sống