Nắng nóng cực điểm, bệnh nhi "ùn ùn" nhập viện

(Dân trí) - Nắng nóng kéo dài, các bệnh viện lớn ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình đều phải hoạt động hết công suất do lượng bệnh nhi tăng mắc các bệnh do nắng nóng như hô hấp, tiêu hóa, viêm não... tăng cao.

Nghệ An: 1.200 lượt bệnh nhi khám mỗi ngày


Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài, Nghệ An phải hứng chịu đợt nắng nóng khốc liệt gần 1 tuần lễ nay. Nhiệt độ ngoài trời có thời điểm đo được lên tới 43 độ C, nền nhiệt phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi 39-40 độ C. Nắng nóng khiến tình trạng trẻ em nhập viện tăng đột biến.

Người nhà bệnh nhân chờ đến lượt khám.
Người nhà bệnh nhân chờ đến lượt khám.

Theo bác sĩ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, các bệnh nhi nhập viện thường trong độ tuổi từ 18 - 30 tháng tuổi. Bệnh nhi nhập viện chủ yếu mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa… Cao điểm, có ngày bệnh viện tiếp nhận 1.200 lượt bệnh nhi đến khám và có đến 90% phải nhập viện điều trị (trong khi thông thường là 700-900 lượt bệnh nhi)

Bế đứa con nhỏ đang quấy khóc đi dọc hành lang khu khám bệnh, anh Võ Văn Hùng (xã Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An) cho biết, bé Võ Nhật Vy (18 tháng tuổi) bị sốt gần 1 tháng nay. Gia đình đưa bé đến phòng khám tư nhân ở quê thì được chẩn đoán bị sốt vi rút và cho thuốc uống. Sau nhiều ngày điều trị, tình trạng bé không có tiến triển khả quan mà tiếp tục sốt cao, bỏ ăn, quấy khóc nên sáng nay anh bắt chuyến xe sớm vào Bệnh viện Sản - Nhi để khám lại. “Đi từ lúc 5h30, vào lấy số thứ tự rồi mà chưa biết bao giờ mới đến lượt vào khám”, anh Hùng bồn chồn.

Có ngày Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An đón gần 1.200 lượt bệnh nhi đến thăm khám và điều trị.
Có ngày Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An đón gần 1.200 lượt bệnh nhi đến thăm khám và điều trị.

Tại hành lang trước các phòng khám, các hàng ghế chờ đều chật kín. Nhiều bé được bố mẹ mang tới trong trình trạng sốt cao trên 38 độ C. Nắng nóng cộng với mệt khiến các bé quấy khóc. Trong các phòng điều trị tình trạng cũng không khá hơn là bao. Quạt treo tường hoạt động hết công suất, các giường bệnh kín chỗ, phải kê thêm giường ở lối đi… Nhiều ông bố, bà mẹ phải bế con ra “nương” dưới tán cây.

Người lớn, trẻ con chen chúc tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An sáng ngày 28/5.
Người lớn, trẻ con chen chúc tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An sáng ngày 28/5.

Tại khoa Lây - Truyền nhiễm, các y, bác sỹ cũng đang cấp cứu cho một ca bị nhiễm trùng máu biến chứng viêm não. Bệnh nhi hơn 8 tháng tuổi, nhập viện từ thứ 6 tuần trước với biểu hiện sốt cao liên tục. Sau khi thực hiện các bước hạ sốt, tình trạng bệnh nhân đã khá hơn. Tuy nhiên, từ tối qua đến sáng nay, tình trạng của bệnh nhi bắt đầu trở nặng. Các bác sỹ phải lấy ven chuyền dịch trên đầu, đồng thời cho trẻ bù nước.

Theo bác sỹ Thái Văn Phong, Khoa Lây - Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, tiêu chảy, nôn mửa, có trường hợp biến chứng viêm não. “Do chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời quá lớn, một số phụ huynh chưa biết các chăm sóc, phòng bệnh cho con, đi nắng về cho ngồi quạt ngay hay cho uống nước mát, cơ thể của trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột dẫn đến sốt, viêm phổi, viêm họng.

Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho, nô
Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho, nôn.

Nguy hiểm nhất là căn bệnh viêm não. Căn bệnh này có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân xảy ra trong mùa hè là do muỗi đốt. Trong thời gian qua, khoa ghi nhận nhiều bệnh nhân nhập viện vì thủy đậu. Bệnh có những bước phát triển “lạ” so với bình thường, đặc biệt, đã ghi nhận trường hợp mắc thủy đậu khi chưa đầy 1 tháng tuổi, dưới độ tuổi dự phòng”.

Để có thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh tăng đột biến trong những ngày nắng nóngvừa qua, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An đã mở thêm một buồng khám nội, bố trí thêm một kíp trực vào buổi chiều từ 17- 21h tối; buổi sáng tổ chức khám sớm hơn thường lệ 15 phút.

Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An ghi nhận nhiều trường hợp bị thủy đậu khi dưới độ tuổi dự phòng.
Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An ghi nhận nhiều trường hợp bị thủy đậu khi dưới độ tuổi dự phòng.

Bác sỹ Phong khuyến cáo, các ông bố, bà mẹ không nên cho con ra ngoài khi nắng nóng, sử dụng đồ uống hợp lý, hạn chế kem, đá lạnh, cho các bé ăn đủ chất, hợp vệ sinh, tốt nhất thức ăn không để quá 6 tiếng, trước khi ăn nên hâm lại hoặc có nghi ngờ nên đổ đi. Bên cạnh chế độ ăn uống, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, bố mẹ nên đưa các bé đi tiêm phòng đúng lịch để đạt được hiệu quả phòng ngừa tốt hơn. Khi trẻ có các triệu chứng sốt, ho kéo dài, cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị và mua thuốc theo đơn của bác sĩ.

Quảng Bình: Tiếp nhận 40 bệnh nhi mắc bệnh liên quan nắng nóng mỗi ngày

Cũng do thời tiết nắng nóng mà trong những ngày qua, tại nhiều phòng khám tư, bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mỗi ngày có hàng trăm trẻ em nhập viện và điều trị vì các bệnh liên quan đến nắng nóng như: sốt, tiêu chảy, say nắng...  

Nắng nóng khiến nhiều trẻ phải nhập viện điều trị
Nắng nóng khiến nhiều trẻ phải nhập viện điều trị

Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Hà Công Thanh, Trưởng Khoa Nhi bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cho biết: “Những ngày nắng nóng đỉnh điểm, trung bình tại khoa Nhi chúng tôi tiếp nhận và điều trị hơn 40 bệnh nhi với các bệnh liên quan đến nắng nóng như sốt, say nắng, say nóng, tiêu chảy. 

Thời tiết nắng nóng kinh khủng như thế này người lớn còn khó có thể chịu nổi huống gì là trẻ nhỏ, thời tiết nắng nóng và sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khiến cho cơ thể của trẻ nhỏ không kịp thích nghi và dễ dẫn đến nhiều bệnh lí liên quan”.

Theo bác sĩ Thanh, để phòng tránh các bệnh cho trẻ trong những ngày nắng nóng này biện pháp tốt nhất trong mùa hè nóng là không cho trẻ chơi ngoài nắng, không cho tắm ao hồ. Đặc biệt là không nên quá lạm dụng điều hòa nhiệt độ.

Ngoài ra, chế độ ăn uống của trẻ trong mùa hè cũng vô cùng quan trọng. Các bậc phụ huynh nên vệ sinh dụng cụ đựng đồ ăn thức uống trước khi cho trẻ sử dụng, nên bảo quản thực phẩm trong điều kiện tốt nhất vì nắng nóng sẽ khiến các thực phẩm dễ bị ôi thiu đây chính là nguồn dễ gây bệnh cho trẻ nhỏ vì sức đề kháng của trẻ còn rất kém. Cần đảm bảo cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và cung cấp đầy đủ lượng nước để tránh hiện tượng mất nước.

Đà Nẵng: Trẻ nhập viện tăng cao do nắng nóng

Thời tiết nắng nóng liên tục tại Đà Nẵng khiến số trẻ đến khám, nhập viện tăng cao. Bệnh viện phải tăng cường bác sĩ, phòng khám, giường bệnh mới đáp ứng đủ nhu cầu của bệnh nhân.

Ngày 29/5, bác sĩ Lê Thanh Cẩm, Phó trưởng Khoa khám đa khoa cấp cứu (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) cho biết, những ngày qua do thời tiết nắng nóng nên trẻ đến khám và nhập viện tăng rõ rệt. Những ngày thấp, có khoảng 600 - 700 trẻ tới khám, còn những ngày cao điểm có khoảng 900 - 1.000 trẻ tới khám, tăng từ 30 - 40% so với những dịp khác trong năm. Số trẻ nhập viện chiếm khoảng 20 - 25% trong số trẻ tới khám.

Những ngày này, bệnh nhi đến khám và nhập viện tăng lên rõ rệt
Những ngày này, bệnh nhi đến khám và nhập viện tăng lên rõ rệt
Đa số là các trẻ mắc bệnh về đường hô hấp, 
Đa số là các trẻ mắc bệnh về đường hô hấp, viêm phổi, viêm thanh phế quản, viêm phế quản

Các bệnh chủ yếu trong dịp này là bệnh đường hô hấp, viêm phổi, viêm thanh phế quản, viêm phế quản… Đa số là trẻ dưới 24 tháng tuổi.

Bác sĩ đang khám bệnh cho một bệnh nhi
Bác sĩ đang khám bệnh cho một bệnh nhi

Trước tình trạng trên, bệnh viện phải tăng cường thêm bác sĩ, phòng khám, trang thiết bị, giường bệnh mới đáp ứng đủ nhu cầu của bệnh nhân. Và cũng nhờ có sự chuyển bị từ đầu nên dù bệnh nhân đông nhưng bệnh viện vẫn đủ chỗ cho bệnh nhân, không để xảy ra tình trạng bệnh nặng.

Bệnh viện phải tăng cường thêm bác sĩ mới đáp ứng nhu cầu của người dân

Bệnh viện phải tăng cường thêm bác sĩ mới đáp ứng nhu cầu của người dân

Theo bác sĩ Cẩm khuyến cáo, để phòng, tránh bệnh mùa hè, phụ huynh nên giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tránh mất nước, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tránh để trẻ thay đổi nhiệt độ đột ngột phòng máy lạnh và bên ngoài, cần quan tâm đến trẻ để phòng tránh trẻ bị ngạt nước. Nếu trẻ bị bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Hoàng Lam - Văn Lịnh - Khánh Hồng