“Nâng cấp” chiều cao - Con dao hai lưỡi
Hormon tăng trưởng “có tác dụng làm tăng chiều cao cho người thấp bé, làm trẻ hóa người già, làm đẹp da phụ nữ...”. Sự thật của những lời quảng bá như vậy đến đâu?
Theo TS Tạ Văn Bình, giám đốc Bệnh viện Nội tiết TƯ, hormon tăng trưởng có tác dụng kích thích sự phát triển ở trẻ em, tạo khối cơ bắp, dẻo dai ở người trưởng thành... Tất nhiên, việc “tẩm bổ” hormon này phải thận trọng vì “dùng không có chỉ định, cộng thêm kỳ vọng cải thiện nhan sắc, chiều cao… có thể “phản chủ”, gây ra những biến chứng rất khó lường”.
Thiếu hormon tăng trưởng, cơ thể chậm phát triển nhưng nếu thừa hormon này, các chuyển hóa sẽ bị rối loạn, cơ thể trở nên chậm chạp, mệt mỏi, thậm chí gây các bệnh lý về thận, làm rối loạn chuyển hóa đường, canxi, các chất điện giải…
Việc bổ sung hormon tăng trưởng sẽ làm dài xương, tăng chiều cao nhưng chỉ áp dụng cho người mang bệnh lý thiếu hormon tăng trưởng.
Trường hợp bình thường mà tự ý “bồi dưỡng” thêm sẽ có nguy cơ biến dạng các đầu chi bởi người trưởng thành, đầu xương đã hợp nhất với thân xương thì hormon tăng trưởng không còn khả năng làm dài xương nữa.
Chưa kể chi phí điều trị bằng loại hormon này không hề nhỏ, một liều tối thiểu cũng phải duy trì hàng năm, số tiền phải chi trả lên đến hơn trăm triệu đồng. |
TS Lương Chí Thành - viện phó Viện Lão khoa quốc gia cho biết: “Có không ít người (cả nữ, cả nam) đến tận viện xin tư vấn vì “nghe nói hormon tăng trưởng có công năng như thần, dùng sẽ sung sức như thời thanh xuân”. Thực tế hormon tăng trưởng có khả năng làm xương khỏe hơn, sung mãn hơn, làm hệ miễn dịch tốt hơn, nhưng nhất thiết phải nằm trong mối điều hòa với các tinh chất khác trong cơ thể.
Đúng là ở người trên 60 tuổi, lượng hormon do cơ thể tự sản xuất giảm đi đến 25% so với tuổi vị thành niên; nhiều bộ phận bị suy thoái... nên nếu chỉ tăng cường hormon tăng trưởng thì các hormon khác và các bộ phận cơ thể không dễ gì đáp ứng được, không khỏe lên đã đành, thậm chí còn mệt mỏi hơn vì các bộ phận sinh ra “lục đục”, không tương thích”.
Rõ ràng, các cơ sở kinh doanh đã đánh tráo khái niệm về xu hướng giảm hormon tăng trưởng và việc bồi đắp để nâng cao sức sống cho cơ thể.
Kết quả là bệnh viện cũng đã từng phải tiếp nhận điều trị cho nhiều người vầng lông mày, gò má tự nhiên nhô ra nặng nề và mất thẩm mỹ… Tất cả đều chung một căn nguyên: đưa “tiếp sức” hormon tăng trưởng vào, xương không dài ra được, các chuyển hóa bị ứ đọng gây phù nề.
Mới đây nhất là chị Trần Thu H. (32 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) sau khi dùng hormon tăng trưởng do người nhà gửi từ nước ngoài về đã phải cấp tốc nhập viện vì bị rối loạn chuyển hóa, đầu ngón tay, ngón chân to bất thường, giống như dùi trống.
TS Tạ Văn Bình khẳng định không có chuyện hormon tăng trưởng có tác dụng làm trường thọ và trẻ lại. Tác dụng chống lão hóa, nếu có, chỉ là biểu hiện tức thời rồi đâu lại trở về nguyên dạng như ban đầu.
Theo Ngọc Hà
Tuổi trẻ