Nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS
(Dân trí) - Sáng 30/11, tại Hà Nội, TT Truyền thông Giáo dục Sức khoẻ TƯ, Bộ Y tế, đã tổ chức chung kết hội thi Tuyên truyền viên giỏi phòng chống HIV/AIDS toàn quốc. Đây là một trong 10 hoạt động quốc gia nhân sự kiện 20 năm Việt Nam đối phó với dịch HIV/AIDS.
Các tiểu phẩm như: “Cánh cửa” của đoàn Cần Thơ; “Hãy tin vào ngày mai”-đoàn Ninh Thuận… là những câu chuyện rất sinh động về cuộc sống đời thường, khát vọng về một thế giới bình đẳng giữa những người bình thường và những người bị nhiễm HIV, thể hiện được kiến thức, kỹ năng của tuyên truyền viên thông qua việc tiếp cận các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao để cung cho họ kiến thức về phòng, chống lây nhiễm HIV cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đây sẽ là những kinh nghiệm bổ ích phục vụ cho công tác tuyên truyền về đại dịch thế giới trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thi, BS. Đặng Quốc Việt, Giám đốc TT nhấn mạnh: “Hội thi Tuyên truyền viên giỏi phòng chống HIV/AIDS là điểm nhấn trong công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, không những đạt được kết quả đa chiều mà còn mở ra hướng tiếp cận mới, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS”.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền HIV cần nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp kết hợp của các ngành các cấp…Đội ngũ tuyên truyền viên cần được quan tâm về chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng về chuyên môn và kỹ năng truyền thông.
Đà Nẵng: Trung bình mỗi năm có thêm 100 ca nhiễm HIV
Ngày 1/12, Ban Quản lý Dự án phòng chống HIV/AIDS tại Đà Nẵng cho biết: Thống kê mới nhất, đến hết tháng 10 năm nay, toàn thành phố đã phát hiện hơn 1.300 ca nhiễm HIV. Trong đó, có hơn 500 ca nhiễm đã chuyển sang giai đoạn AIDS, hơn 300 người trong số này đã tử vong. Tính trung bình 10 năm trở lại đây, mỗi năm có thêm gần 100 ca nhiễm HIV.
Theo ghi nhận của Ban Quản lý Dự án phòng chống HIV/AIDS tại Đà Nẵng, tỷ lệ nhiễm HIV ở lứa tuổi trẻ (từ 20- 39 tuổi) vẫn cao và ngày càng tăng. Giai đoạn 1993-2000, tỷ lệ này chỉ khoảng 48%. Hiện nay, số người nhiễm HIV trong độ tuổi từ 20- 39 tuổi đã tăng lên gần 70% tổng số người nhiễm HIV tại Đà Nẵng.
Nhằm giảm thiểu số ca mắc nhiễm HIV/AIDS mới, Đà Nẵng luôn chú trọng công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Mới đây nhất, hôm qua, 30/11, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và kỷ niệm 20 năm Việt Nam ứng phó với đại dịch HIV/AIDS của lực lượng thanh niên thành phố, gần 200 cán bộ làm công tác thanh niên trên địa bàn thành phố đã tham gia diễn đàn đối thoại trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách về phòng chống HIV/AIDS.
Tại diễn đàn, cán bộ làm công tác thanh niên trên địa bàn thành phố đã được thông tin về tình hình phòng chống HIV/AIDS hiện nay trên địa bàn, chia sẻ quan điểm về các kế hoạch, dự án nhằm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS của các nhà hoạch định chính sách. Đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến đề xuất xây dựng kế hoạch hành động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Nam Hằng - Khánh Hiền