1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nam thanh niên Hà Nội choáng váng tưởng răng khôn, hóa khối nang đến 5cm trong miệng

(Dân trí) - Nam thanh niên 26 tuổi ở Hà Nội sau vài ngày ôm má sưng, đau răng chắc mẩm mình mọc răng khôn nên đã đến gặp bác sĩ. Không ngờ, bệnh nhân phát hiện khối nang đến 5cm trong miệng, buộc phải phẫu thuật.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội) cho biết các bác sĩ tại đây vừa phẫu thuật điều trị cho một nam thanh niên bị bệnh nang sừng hoá (còn gọi là bệnh nang răng sinh sừng).

Nam thanh niên Hà Nội choáng váng tưởng răng khôn, hóa khối nang đến  5cm trong miệng - 1

BS Thái giải thích tình trang cho bệnh nhân nang sừng hóa. 

Nam thanh niên này chưa từng đi khám răng miệng trước đó. Thời gần đây anh này thấy đau vùng góc hàm bên phải nên nghĩ có rắc rối với răng khôn nên mới tới viện khám.

BS Thái cho biết, kết quả chụp X-quang cho thấy bệnh nhân có khối nang lạ nằm ở vị trí góc hàm kích thước rất lớn, trải dài từ vị trí răng số 7 đi qua cành ngang và cành cao xương hàm dưới, phát triển ra cả hai bản xương trong và ngoài, các bác sĩ đã phẫu thuật sinh thiết cho thấy bệnh nhân bị nang răng sừng hoá.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Khoa Phẫu thuật hàm mặt- người trực tiếp điều trị bệnh nhân cho biết, sau 2 lần sinh thiết tại 2 cơ sở y tế đều cho kết quả bệnh nhân bị nang răng sừng hoá, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật được thực hiện hôm 4/6, bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ khối nang có kích thước hơn 5 cm cho bệnh nhân.

BS Thái cho biết, nang sừng hóa là bệnh lý gặp nhiều ở người trưởng thành nhưng dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác về răng miệng, nhất là lầm tưởng về tình trạng mọc răng khôn. Vì thế, người bệnh trì hoãn không đi khám, phát hiện muộn có những trường hợp gây mất răng.

Nguyên nhân là do ở giai đoạn sớm bệnh không gây triệu chứng, nên khi không đi khám răng miệng  định kỳ sẽ không phát hiện bệnh. Đến khi có dấu hiệu đâu thường do nang phát triển to, kích thước lớn, bội nhiễm gây đau.

Thông thường khi người bệnh đến khám thì nang đã phát triển rộng xương, răng bị khối nang phá hủy, gây ra biến dạng khuôn mặt... Chỉ một số trường hợp do tình cờ người bệnh đi kiểm tra, chụp phim X quang về răng mới phát hiện ra bệnh.

BS Thái cho biết, trước đây, người bệnh được chẩn đoán căn bệnh này thường bỏ ngang điều trị do phẫu thuật nạo các tổ chức u chỉ có thể lấy được chân chứ không thể tiêu diệt mầm bệnh tận gốc. Vì thế, bệnh nhân thường sẽ phải phẫu thuật nhiều lần, bệnh tái đi tái lại sau mỗi lần phẫu thuật.

Tuy nhiên, những năm gần đây một số nước phát triển như Anh, Mỹ, Canada đã ứng dụng một loại thuốc có tác dụng tiêu diệt tận gốc nang sừng hoá. Để điều trị cho bệnh nhân này bác sĩ sẽ phẫu thuật vét nang răng sau đó đặt thuốc đặc trị để phá toàn bộ xương nang răng.

Đến nay tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba đã theo dõi 5 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này cho thấy bệnh nhân không bị tái phát.

Nam thanh niên Hà Nội choáng váng tưởng răng khôn, hóa khối nang đến  5cm trong miệng - 2

Các bệnh nhân được theo dõi điều trị cho thấy không bị tái phát.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là do loại thuốc này nhập khẩu khá khó khăn bởi nhu cầu sử dụng không nhiều. Hiện tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng phương thức điều trị này cho bệnh nhân bị nang sừng hoá.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo khi nghi ngờ có u răng do sừng hóa cần đến cơ sở y tế điều trị bảo tồn bằng phẫu thuật lấy nang để bảo tồn răng... Mỗi người cũng nên đi khám răng định kỳ 6 tháng/ lần để chăm sóc sức khỏe răng miệng, kịp thời phát hiện vấn đề cần xử lý.

Hồng Hải