Nam giới trưởng thành mắc quai bị dễ vô sinh?

(Dân trí) - Tôi bị quai bị cách đây 1 tháng. Vợ chồng tôi đã có một con, dự định sinh thêm sau vài năm nữa. Nhưng nghe nói, ở nam giới sau 1 - 2 năm quai bị, tỉ lệ teo tinh hoàn dẫn đến vô sinh rất cao…

Xin hỏi bác sĩ, liệu khả năng vô sinh có cao không? Sau bao lâu bị quai bị thì tôi nên đi kiểm tra chức năng sinh sản? Và nếu phải kiểm tra thì nên làm những xét nghiệm gì? - Vũ Quang (Phúc La - Hà Đông - Hà Nội).

 

Th.S, BS Nguyễn Quang (Trung tâm nam học - BV Việt Đức) trả lời:

 

Đúng là với nam giới (sau 15 tuổi) khi bị quai bị, đáng ngại nhất là nguy cơ teo tinh hoàn dẫn đến vô sinh. Tuy nhiên, không phải 100% người lớn bị quai bị đều dẫn đến nguy cơ này, mà còn tuỳ thuộc vào từng trường hợp.

 

Có một sai lầm mà người bệnh hay mắc phải, đó là khi bị quai bị, được bác sĩ kê thuốc uống và dặn nghỉ ngơi, thì rất nhiều nam giới chủ quan, cho rằng đã có thuốc, nên nghỉ ngơi không được tuyệt đối. Đây chính là nguyên nhân gây nguy cơ viêm tinh hoàn, dẫn đến biến chứng teo tinh hoàn sau này.

 

Bệnh quai bị là bệnh do virus gây ra, không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ được uống thuốc giảm viêm. Do vậy, kể cả khi uống thuốc, thì khả năng teo tinh hoàn vẫn có thể xảy ra. Vì thế, khi mắc quai bị, quan trọng nhất là nghỉ ngơi tuyệt đối 100%, mặc quần lót nâng đỡ tinh hoàn, nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại và tuyệt đối không vận động mạnh.

 

Cũng có rất nhiều người, vì quá lo lắng nguy cơ biến chứng vô sinh sau quai bị, nên khi khỏi quai bị 1 - 2 luần liền tới viện khám. Nhưng điều này là hoàn toàn không nên. Vì để khám chức năng sinh sản buộc phải lấy tinh trùng. Mà sự tác động để lấy tinh trùng có thể khiến virus gây bệnh quai bị đang giai đoạn tạm lắng có cơ hội bùng phát, tấn công, gây ảnh hưởng tới tinh hoàn.

 

Hơn nữa, biến chứng teo tinh hoàn thường không xảy ra ngay sau thời gian khỏi quai bị, mà xảy ra 1 - 2 năm sau đó. Vì thế, khi bị quai bị, cần nghỉ ngơi, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngay cả khi vùng má đã hết sưng vẫn cần nghỉ ngơi thêm một thời gian, tránh vận động, đi lại quá nhiều.

 

Sau một thời gian có thể đi kiểm tra chức năng sinh sản. Nam giới sẽ cần làm tinh dịch đồ và xét nghiệm nội tiết tố để đánh giá chức năng này. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về chức năng sinh sản và đưa ra lời khuyên về việc sinh con.

 

Hồng Hải (ghi)