Mỹ phẩm dành cho tóc - Hãy cẩn thận!
Thuốc nhuộm, thuốc uốn tóc, keo xịt... có chứa các thành phần hóa học nên ít nhiều gây tác dụng phụ cho người sử dụng, đặc biệt đối với những người có cơ địa dị ứng.
Thuốc nhuộm tóc
Thuốc nhuộm tóc là một hỗn hợp hóa chất rất dễ gây dị ứng cho da. Trong đó có chứa chất pataphenyli- dridiamin là chất dễ gây tai biến nhất. Chỉ vài giờ sau khi sử dụng, các triệu chứng dị ứng có thể xảy ra như da đầu và da tay bị mẩn ngứa, chảy nước vàng. Trường hợp nặng có thể lan xuống ngực.
Phản ứng này có thể xảy ra ngay lần đầu nhuộm tóc, nhưng có thể xảy ra ở những lần sau. Có thể do sự thay đổi tâm lý hoặc khi người không được khỏe, phản ứng dễ xuất hiện. Đối với người có cơ địa dị ứng, chỉ cần một giọt nước pha loãng cũng đủ để gây dị ứng. Mỗi loại thuốc có cách điều chế khác nhau nhưng đều có những lưu ý chung khi sử dụng.
Lưu ý khi dùng thuốc nhuộm tóc:
- Trong mỗi hộp thuốc nhuộm tóc đều có hai chai với thành phần hỗn hợp khác nhau ở dạng bột hay nước để pha khi nhuộm. Thuốc chỉ có hiệu quả trong vòng 30 phút sau khi pha. Thuốc thừa nên đổ bỏ, không dùng vật dụng bằng kim loại để pha thuốc.
- Trước khi nhuộm, bạn nên thử phản ứng trên cánh tay. Dùng một miếng bông nhỏ tẩm thuốc nhuộm bôi một chút vào mặt trong da cánh tay, để khô rồi bôi lần thứ hai. Sau 2-3 ngày, bạn hãy quan sát vùng thuốc thử, nếu nơi đó có vết đỏ, ngứa hay có vài mụn nước nổi lên, loại đó không phù hợp với bạn, không nên dùng.
- Ngoài việc lưu ý cơ địa dị ứng, bạn cũng cần đề phòng và không nên nhuộm tóc khi da đầu và da mặt bị tổn thương.
- Bạn cũng không nên nhuộm tóc trước và sau khi sinh nở và trong những ngày đang có kinh nguyệt. Tốt nhất chỉ dùng thuốc nhuộm khi cơ thể thật khỏe mạnh.
- Khi nhuộm tóc cần hết sức cẩn trọng. Không chải thuốc sát da đầu. Phải dùng khăn che kín để bảo vệ những vùng da khác. Tuyệt đối không nhuộm lông mày, lông mi. Nếu bị rớt thuốc lên da cần rửa ngay, nếu thuốc bắn vào mắt phải đi khám bác sĩ.
- Trước khi nhuộm tóc có thể dùng kem thoa mặt bôi dày lên những vùng da giáp chân tóc và xung quanh tai. Không nên nhuộm khi mới gội đầu xong vì móng tay có thể làm xước da đầu trong lúc gội, tạo điều kiện thuận lợi cho thuốc ngấm sâu nếu bị tiếp xúc. Trước và sau khi nhuộm một tuần bạn không nên uốn tóc.
Thuốc uốn tóc
Thuốc uốn tóc là một dung dịch kiềm như amoniac. Dưới tác dụng của chất kiềm này, cầu nối disulfur của các sợi tóc bị lỏng lẻo nên sẽ dễ uốn theo vật cuộn tóc. Sau đó, các cầu nối disulfur này sẽ được tái lập để cố định dạng uốn mới của sợi tóc.
Thuốc uốn có thể gây ra tai biến như làm tóc và da đầu bị khô do tính kiềm mạnh. Da đầu và da tay hay bị lở, rát do thuốc uốn quá mạnh. Đối với những người bị dị ứng hóa chất, nên hết sức hạn chế uốn tóc.
Keo xịt tóc
Loại này thường chứa các loại nhựa tổng hợp hay hỗn hợp colophan và axít malic là những chất dễ gây dị ứng nhất. Triệu chứng có thể là viêm da, ngứa, tấy đỏ, rỉ nước vàng, nặng có thể lan xuống mặt, cổ và tai.
Thuốc duỗi tóc
Đây cũng là một trong những loại mỹ phẩm tóc dễ gây dị ứng và kèm theo ảnh hưởng đến hô hấp như viêm họng, nghẹt mũi... Do đó khi sử dụng thuốc duỗi tóc cần hết sức cẩn thận.
Sáp tạo nếp
Sáp chải tóc (thường có thành phần khoáng như paraphin, vaseline...) thường được dùng để cố định nếp tóc và làm tóc óng mượt. Song nó cũng dễ gây những hiện tượng nút đầu (nơi da đầu, thái dương, trán, gáy có thể có những chấm đen, bịt kín lỗ chân lông. Ngoài ra, còn có hiện tượng chàm.
Nếu dị ứng với chất sáp, da đầu sẽ bị ngứa, mẩn đỏ, rỉ nước vàng, có thể lan rộng xuống gáy và cằm.
Theo Quốc tế - Thị trường & Tiêu dùng