Mỹ: Điều tra khả năng lây bệnh Ebola do tiếp xúc gần
(Dân trí) - Cơ quan y tế Texas đang điều tra về khả năng ca bệnh Ebola thứ hai tại Mỹ trên một người có tiếp xúc gần với bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán nhiễm vi rút này.<br><a href='http://dantri.com.vn/suc-khoe/ca-benh-ebola-dau-tien-ben-ngoai-chau-phi-950303.htm'><b> >> Ca bệnh Ebola đầu tiên bên ngoài châu Phi</b></a>
Ca bệnh đầu tiên tại Mỹ được thông báo hôm thứ Ba (30/9). Người đàn ông này đã đi từ Liberia tới thăm gia đình ở Dallas, Trung tâm Phòng chống bệnh dịch (CDC) Mỹ cho biết.
“Chúng tôi hoàn toàn thành thật với người dân Dallas rằng thực tế là chúng tôi có một trường hợp bệnh đã được xác nhận và có thể có một trường hợp khác liên quan với bệnh nhân này”, Zachary Thompson, giám đốc Sở Y tế và dịch vụ dân sinh thành phố Dallas cho biết.
“Điều này là thật. Có mối lo ngại, nhưng hiện nay nó chỉ giới hạn trong một số người cụ thể trong gia đình và bạn bè gần gũi”.
Ba nhân viên cấp cứu vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện đã được xét nghiệm Ebola nhưng kết quả cho thấy không có bằng chứng của vi rút.
CDC cho biết họ đang theo dõi “một nhúm” người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vài ngày khi bệnh nhân biểu hiện triệu chứng nhưng vẫn chưa vào viện. Bệnh nhân hiện đang trong tình trạng nặng.
Ca bệnh đầu tiên bên ngoài châu Phi đã gióng tiếng chuông báo động về sự lan rộng của vi rút đã giết chết hơn 3.000 người và khiến hơn 6.500 người nhiễm bệnh ở 5 nước kể từ đầu năm đến nay.
Những câu hỏi trong việc phát hiện bệnh
Những câu hỏi đã được đặt ra vào hôm thứ Tư (1/10) về việc tại sao các bác sĩ Mỹ không xác định được bệnh ngay khi người đàn ông này đi khám vì các triệu chứng Ebola, khiến cho nhiều người khác bị phơi nhiễm trong suốt 4 ngày trước khi người bệnh được cách ly.
Người đàn ông chưa rõ danh tính và quốc tịch mới từ Liberia, nước đang là tâm điểm của dịch Ebola, tới Texas thăm người thân.
Người này rời Liberia hôm 19/9, tới Texas ngày hôm sau và đến 24/9 mới biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân đã đi khám hôm 26/9 nhưng lại được cho về nhà. Bệnh nhân được xe cấp cứu đưa trở lại bệnh viện Texas Health Presbyterian ngày 28/9 và được cách ly nghiêm ngặt.
Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Bệnh dị ứng và nhiễm trùng quốc gia cho rằng đáng lẽ bệnh nhân phải được xác định là trường hợp nghi nhiễm Ebola từ ngày 26/9. “Nếu bác sỹ ở phòng khám cấp cứu hỏi về tiền sử đi lại, ví dụ như “Gần đây anh có đi ra nước ngoài không? Và nếu người đó trả lời “À, tôi vừa từ Liberia về,' thì đó sẽ là dấu hiệu báo động đỏ cho bất cứ ai”.
“Vì thế vấn đề thực sự là phải đảm bảo sao cho các bác sĩ đều nhận thức được rằng đang có dịch ở tây Phi và những người tới Mỹ sẽ là những người chưa có triệu chứng”.
Triệu chứng của bệnh
Thời gian ủ bệnh của Ebola là từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân không lây khi chưa có dấu hiệu sốt, đau nhức, nôn và tiêu chảy. 3 nhân viên trên xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân đã có xét nghiệm âm tính với Ebola, nhưng họ sẽ được theo dõi trong 21 ngày.
“Không có nguy cơ” bệnh nhân này lây nhiễm cho những người khác trên máy bay, nhưng có “một số ít” người đã tiếp xúc với người bệnh trong khi người này bị ốm ở Texas. Những người này sẽ được theo dõi trong 3 tuần về các triệu chứng của bệnh.
Cẩm Tú
(Tổng hợp)