Mực xăm “chu du” trong cơ thể như thế nào?
(Dân trí) - Điều gì sẽ xảy ra sau khi bạn xăm hình? Phần lớn mực xăm sẽ ở nguyên trong da, nhưng một số hạt mực sẽ di chuyển đến các hạch bạch huyết hoặc thậm chí đến những nơi xa hơn trong cơ thể.
Từ những hình trang trí đẹp mắt, biểu tượng của đội bóng yêu thích đến tên của người yêu, các hình xăm có đủ mọi loại hình dạng và kích cỡ. Xăm hình đã trở nên ngày càng phổ biến trong 20 năm qua, với 29 phần trăm dân Mỹ có ít nhất một hình xăm.
Nhưng các loại mực được sử dụng để xăm thực ra không được phát triển để sử dụng ở người. Chúng chủ yếu được chế tạo cho các ứng dụng khác, chẳng hạn như sơn xe hoặc cho ngành in.
Trên thực tế, FDA Mỹ chưa phê chuẩn bất kỳ loại mực xăm nào, và các phản ứng da với mực xăm không phải là hiếm.
Mặc dù một số loại mực xăm được biết là có chứa chất gây ung thư, song chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy các hóa chất trong mực xăm có thể gây ung thư.
Mực xăm được đưa vào lớp hạ bì (lớp sâu của da) bằng kim. Cơ thể coi mực xăm là dị vật và sẽ cố đẩy chúng ra khỏi da, nhưng tính chất hóa học của mực xăm làm cho quá trình này khá là khó khăn đối với cơ thể. Do đó, hầu hết màu sắc vẫn lưu lại ở da.
Nhưng tại sao lại cần phải đưa mực vào sâu?
Các hạt mực bị “kẹt” trong lớp hạ bì
Kim xăm sẽ châm vào da khoảng 100 lần mỗi giây, với mục đích để mực in lắng đọng trong một vùng bên dưới bề mặt da từ 1,5 đến 2mm. Lý do là độ sâu này vượt quá lớp ngoài của da, hay lớp biểu bì.
Biểu bì là phần da liên tục tự đổi mới. Mỗi ngày, hàng ngàn tế bào biểu bì bị bong khỏi da và được thay thế bằng các tế bào mới. Mực được đưa vào lớp da trên bề mặt sẽ biến mất trong vòng 3 tuần.
Để làm cho mực lưu lại vĩnh viễn trong cơ thể, kim xăm phải đi qua lớp biểu bì vào lớp sâu hơn, hay lớp hạ bì. Thần kinh và mạch máu nằm ở đây, đó là lý do tại sao việc xăm sẽ gây đau và chảy máu.
Chảy máu là một phần của quá trình bảo vệ tự nhiên của da chống lại thương tích. Kết quả là một dòng tế bào miễn dịch đổ đến nơi bị tổn thương.
Đại thực bào là những tế bào miễn dịch chuyên trách, có nhiệm vụ “nuốt” các hạt dị vật và quét sạch chúng khỏi mô. Nhưng với mực xăm, quá trình này chỉ thành công một phần.
Một số đại thực bào chứa các hạt mực vẫn lưu lại ở lớp hạ bì, trong khi những hạt mực khác lại được những “cư dân” chính ở hạ bì, gọi là các nguyên bào sợi, “ăn” mất. Những đám hạt mực này cũng đã được tìm thấy là dính vào giữa các sợi collagen dày đặc của lớp hạ bì.
Mặc dù tất cả các hình xăm mới sẽ biểu hiển tình trạng mất sắc tố nhất định, song phần lớn mực sẽ lưu lại trong da. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy rằng 42 ngày sau khi xăm, 68% mực vẫn còn nằm ở vị trí xăm.
Vậy số mực còn lại ở đâu?
Hạch bạch huyết và những đích đến xa hơn
Trong hầu hết các trường hợp, đại thực bào mang các hạt mực tới những hạch bạch huyết gần chỗ xăm nhất. Vì các tế bào không thể “tiêu hóa” các hạt mực, chúng sẽ bị mắc kẹt ở đó. Tác dụng phụ là hạch bạch huyết sẽ có cùng màu sắc với hình xăm của bạn.
Cũng có bằng chứng gợi ý rằng các hạt mực xăm có thể đi qua máu và mắc kẹt lại trong gan.
Vì vậy, khi đi xăm hình, hãy nhớ rằng không chỉ làn da của bạn trông “bắt mắt” hơn mà cả các cơ quan nội tạng cũng có thể xuất hiện những màu sắc “độc đáo”.
Cẩm Tú
Theo MNT