1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mưa xuân - Coi chừng cảm lạnh

(Dân trí) - Những hạt mưa bụi lất phất vào mùa xuân những tưởng không đủ làm ướt áo, nhưng đừng chủ quan, bạn sẽ rất dễ bị cảm lạnh đấy!

Cảm lạnh là bệnh thường gặp do thời tiết thay đổi, nóng - lạnh đột ngột, do ngâm mình lâu dưới nước, thậm chí là do ra đường với một mái tóc ướt...

 

Còn ở thời điểm giao mùa đông - xuân, bệnh cảm lạnh chủ yếu là do chủ quan, không mặc đủ ấm vì thấy thời tiết đã bớt lạnh hơn.

 

Triệu chứng

 

Biểu hiện rõ nhất của bệnh là các triệu chứng sưng họng, ho, ngạt mũi, đau đầu, sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau nhức. Bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng 5 - 7 ngày nếu được bồi bổ, giữ ấm và chăm sóc tốt. Nếu các triệu chứng kéo dài và có chiều hướng nặng hơn thì bạn có nguy cơ phải đối mặt với bệnh viêm phế quản.

 

Điều trị

 

Bệnh cảm lạnh thông thường này không có loại thuốc nào chữa khỏi mà thuốc chỉ có tác dụng làm giảm một vài triệu chứng nhức mỏi cơ, đau đầu, sốt… Bạn cũng có thể dùng thuốc trị ngạt mũi để giảm bớt tình trạng khó chịu. Tuy nhiên, không dùng thuốc ngạt mũi trong thời gian kéo dài.

 

Đặc biệt với trẻ em, dùng thuốc phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Nếu thấy bé đỡ các triệu chứng sốt, sổ mũi, xưng họng… bạn có thể nấu một nồi lá xông cho bé toát mồ hôi. Bé sẽ thấy rất dễ chịu, đỡ đau đầu và mỏi nhức cơ.

 

Phòng tránh

 

Để phòng cảm lạnh, cần giữ ấm cơ thể, nhất là khi đi ra đường. Khi bị dính nước mưa, cần nhanh chóng lau khô người, tóc và mặc quần áo ấm. 

 

Vào mùa xuân, thường rất hay có mưa bụi, bạn nên dự phòng cho mình áo mưa để tránh tình trạng nước mưa ngấm vào quần áo gây cảm lạnh. Để phòng nguy cơ bị cảm lạnh, hãy làm một cốc trà gừng nóng ngay khi vào nhà.

 

Cảm lạnh là bệnh hay gặp nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu bạn có ý thức giữ gìn sức khoẻ bản thân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng tiệt trùng, nhất là sau khi hỉ mũi; không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bị cảm lạnh; giữ ấm cơ thể, tránh ngâm mình lâu trong nước…

 

Hồng Hải