1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mùa hè, khổ vì dị ứng niken

(Dân trí) - BS Nguyễn Thành, trưởng khoa khám bệnh Viện Da liễu TƯ cho hay, mùa hè, số bệnh nhân phải đến viện khám, điều trị vì dị ứng niken luôn tăng. Đáng nói là khi trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm Trung Quốc mạ nhiều niken, tình trạng dị ứng niken càng trở nên phổ biến hơn.

BS Thành cho biết, niken có mặt trong những vật dụng hằng ngày như hoa tai, phéc-mơ tuya, cúc quần, gọng kính, dây đồng hồ, dây chuyền... Ngày nay, dị ứng với niken là hiện tượng phổ biến nhất trong các loại dị ứng kim loại.

 

Trên thực tế, có rất nhiều bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nữ đã phải tìm đến bác sĩ da liễu vì dị ứng niken có trong phéc-mơ-tuya quần bò. Theo BS Thành, nguyên nhân khiến căn bệnh này hay gặp ở nữ giới, đó là do chị em thường mặc các loại quần quá chật, bó sát khiến niken có ở phéc-mơ-tuya, cúc quần cọ sát liên tục vào da gây dị ứng. Nhất là vào mùa hè, trời nắng nóng, mặc quần áo chật khiến mồ hôi ra nhiều thấm vào kim loại, làm kim loại bị hòa tan thấm vào da càng dễ gây dị ứng.

 

Khi dị ứng niken, triệu chứng thể hiện rất rõ ràng, khu trú. Chỉ những vùng da nào tiếp xúc với niken mới có biểu hiện. Khi đó, bề mặt da bị ngứa, đỏ, xuất hiện mụn nước. “Dị ứng niken khiến người bệnh ngứa ngáy rất muốn gãi nhưng cần lưu ý, tuyệt đối không nên gãi những nốt rộp (mụn nước) này, vì nếu những nốt này sẽ vỡ ra có thể gây bội nhiễm khiến việc điều trị khó khăn và kéo dài hơn”, BS Thành cảnh báo.

 

Tuy dấu hiệu khá điển hình, nhưng có nhiều trường hợp, do bị ngứa, mụn rộp vùng xung quanh rốn khiến nhiều người lầm tưởng là bị hắc lào nên tự mua thuốc về điều trị khiến tình trạng bệnh kéo dài dai dẳng hơn.

 

Theo BS Thành, hiện chưa có biện pháp chữa trị triệt để dị ứng với niken. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể phòng tránh đơn giản bằng cách cách ly với vật gây dị ứng. Theo đó, nếu bị dị ứng dây đồng hồ, người bệnh nếu muốn đeo đồng hồ nên bọc dây bằng nilon, chuyển sang sử dụng gọng kính, phéc-mơ-tuya bằng chất liệu nhựa, đồng…

 

Còn khi đã bị dị ứng, cần kiêng không gãi trợt các nốt mụn rộp, tránh dùng những loại kem và xà phòng có độ tẩy mạnh…  Nếu tổn thương nặng, người bệnh nên đến bác sĩ da liễu để được thăm khám và điều trị tốt nhất.

 

Hồng Hải