Mua BHYT tự nguyện theo thông tư mới như thế nào?
(Dân trí) - Chiều 17/12, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban BHYT tự nguyện (BHXHVN) khẳng định: “Thông tư mới về BHYT tự nguyện có hiệu lực sau 15 ngày kể từ khi đăng công báo".
Được biết thông tư số 14 bãi bỏ những quy định cản trở người dân tham gia BHYT tự nguyện, ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?
Ngày 10/12, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã thống nhất và ban hành Thông tư số 14/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn sửa đổi bổ sung một số điểm của Thông tư 06/2007/TTLT-BYT-BTC ngày 30/3/2007. Những nội dung sửa đổi, bổ sung lần này sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia BHYTTN.
Cụ thể như sau, thứ nhất, bãi bỏ điều kiện 100% thành viên hộ gia đình, 10% số hộ gia đình trong phạm vi xã, phường, thị trấn và 10% số học sinh, sinh viên trong danh sách học sinh, sinh viên của nhà trường tham gia.
Thứ hai, mức đóng được xác định trên cơ sở khung mức đóng đã quy định trong Thông tư 06. Cụ thể là: mức đóng đối với cá nhân tham gia BHYTTN khu vực thành thị là 320.000 đồng/người/năm, khu vực nông thôn là 240.000đồng/người/năm; mức đóng đối với học sinh, sinh viên khu vực thành thị là 120.000 đồng/người/năm, khu vực nông thôn là 100.000 đồng/người/năm.
Mức đóng này thấp hơn nhiều so với chi phí khám chữa bệnh bình quân của mỗi người tham gia BHYT trong năm 2006 (885.000 đồng/người/năm) tính chung cho các đối tượng là tất cả thành viên hộ gia đình tham gia và các đối tượng khác.
Tham gia BHYT tự nguyện, khi đi KCB ngoại trú, người bệnh được:
- Thanh toán 100% chi phí khi có chi phí dưới 100.000 đồng cho một đợt khám, chữa bệnh ngoại trú.
- Được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú khi có chi phí từ 100.000 đồng trở lên. |
Hiện chúng tôi đang làm văn bản hướng dẫn hệ thống BHXH cả nước tổ chức triển khai BHYT tự nguyện theo thông tư mới số 14 vừa ban hành. Vì thông tư mới này có thay đổi, đối tượng của BHYT tự nguyện nên phải thay đổi quy trình, xác định mã thẻ mới.
Dự kiến, chúng tôi sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn trong tuần này. Thứ hai tới, ngày 24/12 sẽ triển khai hướng dẫn cho hệ thống BHXH ở các tỉnh phía Bắc, còn ngày 28/12 sẽ triển khai cho các tỉnh phía Nam. Như vậy, chúng tôi sẽ kịp triển khai BHYT tự nguyện ngay sau khi thông tư mới có hiệu lực.
Vậy ngay trong tháng 12/2007, người dân có thể mua thẻ BHYT tự nguyện?
Mọi văn bản hướng dẫn tới hệ thống BHXH trong cả nước sẽ được hoàn thành trước khi thông tư có hiệu lực. Do vậy, sau khi thông tư này có hiệu lực thi hành (15 ngày kể từ ngày đăng trên công báo), người dân có nhu cầu có thể tham gia BHYT tự nguyện ngay.
Tuy nhiên, do việc triển khai BHYT tự nguyện sẽ thực hiện ở các địa phương nên có tình trạng từ tuyến tỉnh mới hướng dẫn về tuyến huyện, xã nên dù rất khẩn trương, quy trình thực hiện thẻ BHYT tự nguyện ở một số địa phương vẫn sẽ bị chậm cho so với thời điểm có hiệu lực của thông tư số 14.
Vậy người dân có thể đăng ký mua thẻ BHYT tự nguyện như thế nào, thưa ông?
Thẻ BHYT tự nguyện không được triển khai dưới dạng bán lẻ đến từng cá nhân, mà bán qua hệ thống người làm công tác đại lý tại xã, phường. Các đại lý này phải được UBND xã xác nhận và giới thiệu, đồng thời được BHXH hướng dẫn, tập huấn.
Để mua được BHYT tự nguyện, người dân đăng ký tên, nộp tiền theo đại lý. Sau đó, đại lý sẽ chuyển danh sách theo mẫu quy định đầy đủ các tiêu chí cho hệ thống BH để được in thẻ BHYT. Chúng tôi tiến hành bán thẻ theo hệ thống đại lý là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Không để nhân dân phải lên tận tuyến huyện mới đăng ký mua được thẻ BHYT tự nguyện.
Thẻ BHYT có giá trị sau 30 ngày kể từ ngày nộp tiền vào quỹ. Chúng tôi sẽ thu của bà con tham gia BHYTTN một năm một lần. Còn với học sinh, sinh viên đóng BHYT tự nguyện một lần hoặc hai lần trong một năm, hoặc đóng cho cả khoá học.
Với những thay đổi này, Nhà nước phải bù chi, liệu quyền lợi của người bệnh có được đảm bảo?
Nội dung thông tư 14 chỉ thay đổi đối tượng, mức đóng còn vẫn giữ nguyên quyền lợi người tham gia BHYTTN vì thế không có chuyện phân biệt giữa các đối tượng, cũng như phân biệt chất lượng khám chữa bệnh giữa những người tham gia BHYT tự nguyện, bắt buộc hay không sử dụng BHYT. Mọi dịch vụ tư vấn, khám, điều trị cho tất cả các đối tượng bệnh nhân đều bình đẳng.
Với những sửa đổi mới kể trên, điều hiển nhiên là quỹ BHYTế sẽ phải bù lỗ cho những người có thẻ BHYTTN. Theo dự kiến, mỗi năm nhà nước sẽ phải bù khoảng 800 tỷ đồng cho một triệu người khám chữa bệnh bằng BHYT tự nguyện, chưa kể đến những chi phí khám chữa bệnh rất khó dự kiến. Tuy nhiên, các ban ngành liên quan sẽ có những tính toán cụ thể để vừa đảm bảo cân bằng quỹ, vừa đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia BHYT tự nguyện.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hải (Thực hiện)