Mù vĩnh viễn vì chủ quan với bệnh Glôcôm

(Dân trí) - Được mổ mắt trái đến lần thứ 3 nhưng bác Nguyễn Đình Khôi (64 tuổi, Hàng Thùng, Hà Nội) vẫn có nguy cơ mù vĩnh viễn không thể phục hồi do đến viện muộn.

Dễ bỏ qua triệu chứng

Nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến tình trạng này của bác Khôi, đó là do bác đến cơ sở y tế muộn, vì thế, bệnh của bác không thể dùng thuốc nhỏ mắt để giảm nhãn áp, mà phải dùng phẫu thuật.

Theo PGS.TS Vũ Thị Thái, trưởng Tại khoa Glocôm BV Mắt T.Ư, đến viện muộn khi có dấu hiệu đau nhức mắt, mờ mắt ở người bệnh glôcôm là rất phổ biến.
 
Mù vĩnh viễn vì chủ quan với bệnh Glôcôm - 1
Được phát hiện sớm, tra thuốc đúng cách, kiểm tra định kỳ,
người bệnh glôcôm có thể giữ được thị lực tới khi già (Ảnh: H.Hải)

Như trường hợp của bệnh nhân Trương Hồng Anh (Quảng Ninh). Một thời gian, bệnh nhân này thấy mắt mờ, rồi lên cơn đau nhức dữ dội nhưng anh không đi khám vì chỉ nghĩ đơn giản do mình tiếp xúc nhiều với máy tính. Đến khi cơn đau ngày càng tăng, đến mức chỉ muốn dùng cái gì đó chọc vào mắt, anh mới hốt hoảng đến viện vì nghĩ mình bị u não. Kết quả khám cho thấy, anh bị bệnh glôcôm, nếu không phẫu thuật có thể bị mù vĩnh viễn.

Tại buổi mit-tinh hưởng ứng "Ngày thế giới phòng chống bệnh Glôcôm" sáng 11/3, tại Bệnh viện Mắt T.Ư, PGS.TS Đỗ Như Hơn, Giám đốc bệnh viện, cho biết: "Glôcôm (hay còn gọi là thiên đầu thống) là bệnh khá phổ biến ở Việt Nam. Bệnh làm lõm, teo đầu dây thần kinh thị giác khiến người bệnh đau nhức và mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị. Tuy nhiên, có gần 95% người dân không biết đến bệnh này. Vì thế, khi đến cơ sở y tế, nhiều trường hợp đã ở giai đoạn bị tổn thương thị lực không thể phục hồi.

Đối tượng có nguy cơ mắc cao là những người trên 35 tuổi, có người nhà mắc bệnh, có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc bôi toàn thân), người bệnh đái tháo đường, cao huyết áp...

“Đa phần người bệnh chỉ đến viện khi đau nhức mắt không thể chịu nổi, không nhìn thấy gì. Lúc này, dù điều trị cũng không lấy lại được ánh sáng cho người bệnh nhưng họ vẫn buộc phải điều trị để giải quyết tình trạng đau nhức mắt. Bệnh có các triệu chứng đặc hiệu như: đau nhức mắt, đau lan lên đầu cùng bên, có thể gây buồn nôn hoặc nôn, nhìn mờ, quầng xanh đỏ... Tuy nhiên có nhiều hình thái bệnh glôcôm không có biểu hiện rõ ràng, không có hiện tượng tăng nhãn áp nên rất dễ bỏ qua”, TS Thái nói.

Cần điều trị sớm và tái khám đúng lịch

Vì nguyên sinh bệnh chưa rõ ràng nên không thể phòng ngừa mắc bệnh glôcôm. Tuy nhiên, có thể phòng tránh được mù loà do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị thích hợp và theo dõi thường xuyên.

PGS Hơn cho biết, bệnh glôcôm là một cấp cứu nhãn khoa. Khi đến viện trong tình trạng đau nhức mắt, giảm thị lực, bệnh nhân sẽ được điều trị ngay bằng tra mắt và uống thuốc hạ nhãn áp. Các thuốc này phải được sử dụng theo chỉ định, dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sỹ nhãn khoa. Còn khi thuốc điều trị không đạt hiệu quả mong muốn, người bệnh cần phẫu thuật.

Tuy nhiên, một điều cần lưu ý, đó là bệnh có nguy cơ tái phát cao. Vì vậy, dù đã được điều trị ổn định, bệnh nhân glôcôm vẫn cần được quản lý và tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

TS Thái cho biết, trên thực tế, có nhiều bệnh nhân mặc dù nhãn áp đã được điều chỉnh bằng thuốc hoặc phẫu thuật nhưng mắt vẫn tiếp tục bị tổn thương. Song bệnh nhân lại cho rằng đã được chữa trị khỏi hẳn nên không đi khám, theo dõi tiếp. Hậu quả là bệnh vẫn âm ỉ tiếp tục tiến triển và bệnh nhân vẫn bị mất dần chức năng thị giác. Vì vậy bệnh nhân glôcôm rất cần được điều trị và theo dõi suốt đời. cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để phòng nguy cơ mù lòa.

Như mới đây, viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Vũ Thị N được chuyển ra từ Thanh Hóa. Cách đây 4 năm bệnh nhân này cũng đã được phẫu thuật chữa glôcôm. Dù đã được bác sĩ dặn dò kỹ lưỡng nhưng trong suốt thời gian đó, bệnh nhân này không một lần tái khám. Lần này, khi chuyển ra Bệnh viện Mắt T.Ư, thị lực của chị N đã bị mất vĩnh viễn, không thể phục hồi, trong khi đó, chị vẫn phải bỏ tiền điều trị để giải quyết tình trạng đau nhức ở mắt.

“Vì thế, để phát hiện sớm bệnh, và phòng ngừa nguy cơ tái phát, người dân nên đi khám mắt định kỳ. Nhất là với những đối tượng có nguy cơ cao, những những người ruột thịt của bệnh nhân càng cần phải được đi khám mắt thường xuyên. Chỉ có cách khám mắt định kỳ mới có thể phòng tránh mù lòa bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên”, TS Thái khẳng định.

Hồng Hải