Một trẻ tử vong do sặc bột
Sáng 13/6, trạm y tế phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM, tiếp nhận cấp cứu bé Nguyễn Thị Xuân Hợp, 5 tháng tuổi, trong tình trạng tim ngưng đập, toàn thân tím bầm, mũi và miệng nôn đầy bột thức ăn.
Theo trạm y tế Hiệp Bình Phước, cháu Hợp đã chết trước khi đưa đến trạm xá. Nguyên nhân đang được Công an quận Thủ Đức điều tra làm rõ.
Nhiều người cho rằng bé Hợp bị ngạt do sặc thức ăn. Tuy nhiên, bà Trương Lê Dung, người giữ trẻ, cho biết lúc 8 giờ sáng cùng ngày, sau khi cho bé Hợp ăn hai muỗng bột (khoảng 1/3 chén, do mẹ bé mua), ngồi chơi khoảng 30 phút thì cho bé lên võng ngủ... Đến hơn 9 giờ khi con gái bà là chị Hiển ra kiểm tra thì phát hiện người cháu Hợp có biểu hiện tím tái nên vội đưa đến trạm xá cấp cứu.
Tuần nào cũng có cấp cứu
Bé Hợp là con của vợ chồng anh N.H.H. và chị L.T.K.L.. Cả hai đều là công nhân, quê quán xã Bình Định,Thăng Bình, Quảng Nam, tạm trú tại khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước. Do phải đi làm nên hằng ngày anh H. và chị L. gửi bé Hợp cho bà Trương Lê Dung cùng con là chị Nguyễn Ngọc Hiển ở gần đó chăm sóc với giá 350.000đồng/tháng.
UBND phường Hiệp Bình Phước cho biết nhà bà Dung có nhận giữ trẻ cho một số cặp vợ chồng là công nhân xung quanh nhưng không có đăng ký. Tại thời điểm xảy ra vụ việc trong nhà có giữ sáu trẻ, nhỏ nhất là 5 tháng tuổi, lớn nhất là 32 tháng tuổi. Riêng bé Hợp mới được nhận vào giữ 12 ngày.
Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng I TPHCM, cho biết: “Trung bình mỗi tuần chúng tôi tiếp nhận 1-2 ca cấp cứu dị vật đường thở, thường gặp nhất là dưới 3 tuổi”. Trẻ nhũ nhi hay bị sặc cháo, sữa, bột, thuốc, xương cá, xương lươn, xương heo lẫn trong cháo. Trẻ lớn hơn thường sặc hạt dưa, hột trái cây, đuôi bút bi, kẹp giấy, kim gút, đồ chơi bằng nhựa. Mới đây có bé 3 tuổi, nhà ở quận 3, sặc hột chôm chôm quá to, gia đình đưa đi cấp cứu nhưng chết ngay trước cửa bệnh viện.
Tại bệnh viện đang có bé 10 tháng tuổi được người nhà cho ăn cháo, bị sặc, sau đó bé cứ ho, tím hoài. Vô viện, cho chụp CT mới phát hiện một mảnh xương heo khoảng 2cm2 ở đường thở. Bác sĩ đã soi lấy ra nhưng tình trạng vẫn còn nặng do tiến triển viêm phổi.
Hai cách xử trí tại chỗ
Khi trẻ sặc sẽ gây phản xạ co thắt thanh môn liên tục làm bé ho sặc nhiều, tím tái, khó thở. Nếu không giải quyết để cắt cơn co thắt có thể tử vong. Ngay tại gia đình, nhà trẻ có thể xử trí kịp thời bằng một trong hai biện pháp pháp :
Một là đặt em bé nằm sấp xuống lòng bàn tay rồi vỗ mạnh vào lưng, giữa hai xương bả vai từ 3 -5 cái, liên tục 2 - 3 lần cho đến khi hết cơn sặc, tống dị vật ra.
Hai là nếu bé lớn - để nằm ngửa trên sàn cứng,đặt ức xương bàn tay mình vào vị trí 1/3 dưới xương ức của bé rồi ấn mạnh từ dưới lên trên từ 3- 5 cái liên tục để cắt cơn ho và tạo phản xạ tống dị vật ra. Nếu thấy không hiệu quả, bé vẫn tím tái, ho... thì phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Vào viện bé sẽ được đặt ống soi hút ngay chất lỏng hoặc cho thở oxy, chụp X quang để xác định vị trí và gắp dị vật ra.
Để đề phòng, khi cho bé ăn, bú, uống thuốc nên để bé ở tư thế nửa nằm nửa ngồi và cho ăn, uống từng muỗng một, đến khi bé nuốt hết, thở đều mới cho muỗng kế tiếp, đừng bao giờ cho uống nhồi, đút nhồi. Bé đang nằm ngửa, đang khóc hoặc chọc cho bé cười, bóp mũi để cho ăn, uống thuốc đều rất dễ sặc.
Theo Quang Khải - Kim Sơn
Tuổi trẻ