Một số vấn đề tâm lý thường gặp ở bệnh nhân ung thư

Hà An

(Dân trí) - Ung thư có thể ảnh hưởng lớn tới cuộc đời của mỗi người. Một người có thể tiếp nhận chẩn đoán ung thư sau khi đã biểu hiện nhiều triệu chứng, nhưng có nhiều người phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ.

Dù trong trường hợp nào thì cuộc sống của người bệnh cũng thay đổi rất nhiều sau khi mắc ung thư. Mỗi người bệnh sẽ có thể trải qua những khó khăn về cuộc sống, tâm lý và cảm xúc khác nhau trong quá trình chiến đấu với bệnh. Trong nhiều trường hợp, ung thư gây nhiều ảnh hưởng về thể chất và tâm lý bao gồm:

Một số vấn đề tâm lý thường gặp ở bệnh nhân ung thư - 1

- Đối mặt với cú sốc sau khi chẩn đoán ung thư.

- Lo lắng về sức khỏe và tương lai.

- Sợ hãi quá trình điều trị và cái chết.

- Suy nhược, đau đầu, tức ngực, khó thở do căng thẳng.

- Mệt mỏi và buồn chán vì các tác dụng phụ do điều trị.

- Bối rối, giảm tự tin vì những thay đổi về ngoại hình do điều trị.

- Suy giảm khả năng lao động và sinh hoạt.

- Căng thẳng vì gánh nặng chi phí và kinh tế, điều trị nhiều đợt.

- Ảnh hưởng các mối quan hệ và hoạt động xã hội, giảm chất lượng sống của cả gia đình…

Theo thống kê của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ có 66% người bệnh ung thư có các căng thẳng kéo dài, 30% có lo âu và 20-35% có trầm cảm. Người bệnh ung thư thường có cảm giác không chắc chắn vào tương lai, sợ bị kỳ thị, sợ xấu xí, sợ đau, sợ mất giá trị, và hơn hết là nỗi sợ chết. Người bệnh và gia đình có thể khó vượt qua các vấn đề tâm lý này hơn khi không tìm được từ ngữ để diễn tả cảm xúc, không muốn mình trở thành gánh nặng, sợ bị suy sụp, xấu hổ khi thừa nhận mình có vấn đề tâm lý, cho rằng bác sĩ quá bận rộn hoặc không hứng thú lắng nghe.

Do vậy, chăm sóc tâm lý xã hội cho người bệnh ung thư có vai trò quan trọng ngay từ khi người bệnh nhận được chẩn đoán và xuyên suốt quá trình điều trị đến cả sau thời điểm sống sót hoặc tử vong. Có nhiều phương pháp hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh và gia đình như trò chuyện, đồng cảm, cung cấp thông tin, chia sẻ cảm xúc, liệu pháp thư giãn, trị liệu tâm lý hoặc dùng thuốc.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng chăm sóc tâm lý tốt sẽ giúp người bệnh ung thư giảm stress, giảm nguy cơ rối loạn tâm lý nặng ở các giai đoạn điều trị khó khăn, cải thiện kỹ năng ứng phó với bệnh, tăng cường chất lượng cuộc sống. Điều trị tâm lý-xã hội kết hợp với thuốc giúp giảm hiệu quả các triệu chứng mất ngủ, buồn nôn, đau đớn trong quá trình điều trị. Từ đó cải thiện sức khỏe thể chất, hiệu quả điều trị ung thư, tăng cường chất lượng cuộc sống của người bệnh và cả gia đình nói chung.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm