1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Một gia đình có “truyền thống” hiến máu

(Dân trí) - Ngày “Chủ nhật đỏ” diễn ra hôm 23 Tết là một ngày đặc biệt với chị Lê Thanh Hà, một thành viên của “Gia đình hiến máu nhân đạo”. Chồng con đợi chị ở nhà, bên mâm cơm mừng sinh nhật, cũng là để “bồi bổ” khi chị đi hiến máu nhân đạo trở về.

Một gia đình có “truyền thống” hiến máu - 1
Chị Hà và em trai tham gia hiến máu nhân đạo
tại ngày "Chủ nhật đỏ" (Ảnh: H.Hải)
 
Một ngày đặc biệt

Chị biết thông tin về Ngày “Chủ nhật đỏ” diễn ra hôm 18/1, trước 23 Tết vài ngày và đã quyết định sẽ đăng kí hiến máu tình nguyện. Dù hôm đó, chồng con chị đã lên kế hoạch chuẩn bị cho mẹ một sinh nhật thật hoành tráng kết hợp tổ chức bữa cơm nhân ngày Tết Táo quân…              

“Thật may, cả ông xã và hai con đều ủng hộ rồi còn động viên, khiến ngày sinh nhật mình sẽ càng ý nghĩa. Một bệnh nhân nào đó sẽ nhận được nguồn máu của mình, món quà nhỏ nhưng thật vô giá với người bệnh trong hoàn cảnh này. Khi về nhà, lại được nhận quà từ chồng, con, niềm hạnh phúc của tôi thực sự được nhân đôi”, chị Hà tâm sự.

Ngày này không chỉ đặc biệt riêng với chị Hà mà còn với cả gia đình chị. Bố chị, bác Lê Đình Duật “đích thân” đưa chị và cậu em trai Lê Quyết Thắng, hiện đang là sinh viên của Học viện Phòng không không quân tới để hiến máu. Bác cũng nhiệt tình “xin” được hiến máu nhưng không đạt “chuẩn” vì đã quá tuổi quy định. Vì thế, bác đã bảo các con làm thay bố, cùng bố vận động bạn bè, người thân đến hiến máu giúp người nghèo. Đến nay, chị đã 6 lần đi hiến máu, cũng nhờ bố “truyền nhiệt huyết”, tình yêu thương với người bệnh.

Hiến máu - “truyền thống” của gia đình

“Truyền thống” hiến máu, đó là cụm từ người dân, hàng xóm “phong tặng” cho gia đình bác Lê Đình Duật, trú tại phòng 410, nhà F8, tổ 23, phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội.  

Là một người lính, từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, chứng kiến nhiều đồng đội đã hi sinh vì mất máu nghiêm trọng mà không có máu truyền, nhiều lần ông đã xin hiến máu cứu giúp đồng đội. Rồi bố vợ ông, người đã ngã xuống trong một trận bom đánh phá, khi bị một mảnh bom cắt ngang đùi, mất nhiều máu mà bệnh viện lại không có máu để cấp cứu kịp thời.

Vì thế, ông càng hiểu sự quan trọng của máu đối với con người, với những người bệnh cần máu. Với họ, không có máu sẽ đồng nghĩa với cái chết. Vì thế, năm 1999, khi phong trào hiến máu nhân đạo vừa được phát động, ông đã nhiệt tình hưởng ứng.
 
Một gia đình có “truyền thống” hiến máu - 2
Các thành viên trong gia đình bác Duật đã trở nên "quen mặt" tại Viện Huyết học
& Truyền máu T.Ư. Trong ảnh, 3 bố con bác chụp kỉ niệm với PGS Nguyễn Anh Trí,
Viện trưởng Viện HH & TM trong ngày "Chủ nhật đỏ". (Ảnh: H.Hải)

Mà để mọi người tin, làm theo, chỉ có cách là phải đi đầu làm gương. Vì thế, ông đã đến Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư tình nguyện xin hiến máu. Nhưng bác sỹ từ chối vì ông đã quá tuổi. Ông lại bắt đầu vận động chính những thành viên trong gia đình mình. Lần lượt, vợ ông, bà Lê Thị Kim Dinh, con gái cả Lê Thanh Hà, con gái thứ hai Lê Thành Nam, cậu con út Lê Quyết Thắng đều đi hiến máu tình nguyện.

Tính đến thời điểm này, 5 thành viên trong gia đình ông đã hiến máu được 35 đơn vị máu. Nếu kể những người thân, bạn bè mà gia đình ông vận động được thì con số máu hiến được đã lên tới 109 đơn vị. "Con số chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó, vì vẫn còn rất, rất nhiều người bệnh cần máu. Các thành viên trong gia đình tôi sẽ tiếp tục đi hiến máu, vận động mọi người tham gia hiến máu, để người bệnh cần máu tiếp tục có cơ hội được điều trị, được sống trên cõi đời", bác Duật bày tỏ.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm