Một bệnh nhân nhiễm độc nọc rắn toàn thân

Nguyễn Văn Phong (46 tuổi, ở Hà Giang) bị rắn khô mục cắn, hiện vẫn đang bị chảy máu liên tục từ vết cắn và trong tình trạng nguy kịch.

TT Chống độc Bệnh viện Bạch Mai ngày 28/7 tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Phong (Hà Giang) trong tình trạng phần ngực gần tim, phổi bệnh nhân bị sưng to, bầm tím, và máu liên tục chảy ra từ vết cắn.

 

TS Phạm Duệ, Giám đốc TT Chống độc cho biết, nước ta hiện vẫn chưa có huyết thanh kháng nọc để điều trị bệnh nhân bị rắn khô mục cắn. Bệnh viện hiện vẫn chỉ có cách truyền máu để lọc máu, loại bỏ máu độc ra khỏi cơ thể. Việc bệnh nhân có thể sống sót hay không chỉ trông chờ vào lượng nọc ngấm vào máu ít hay nhiều mà thôi.

 

Bệnh viện vẫn đang truyền máu cho bệnh nhân Phong với hy vọng đẩy được hết chất độc ra khỏi cơ thể.

 

Rắn khô mục là loại rắn thuộc họ rắn lục, cực độc và thường sống trên cây. Dấu hiệu để nhận biết vết cắn của rắn khô mục là vết cắn thường có dấu răng, đau và sưng tại chỗ. Nạn nhân bị xuất huyết nhiều nơi, khắp tứ chi; nổi hạch. Biện pháp sơ cứu là phải buộc chặt băng bên trên chỗ bị cắn từ 5 - 10cm và sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

 

Theo Hiền Lê

VTC