1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Một bệnh nhân bị ‘ăn mặt’ điều trị thành công

Cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ để phòng bệnh cam tẩu mã.

Bệnh nhân Huỳnh Văn Đạt (51 tuổi, ngụ xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, Tiền Giang) được các bác sĩ (BS) chẩn đoán nghi mắc bệnh cam tẩu mã. Bệnh này do đâu, tiến triển thế nào, có điều trị hết không?

Trước đó, tháng 2-2015, một nam bệnh nhân 27 tuổi ở Bình Phước đến BV Tai Mũi Họng (TP.HCM) khám bệnh vì sưng mặt, mắt, miệng có mùi hôi thối… Qua khám lâm sàng, các BS xác định bệnh nhân bị viêm xoang hoại tử xoang hàm sàng hốc mắt, nghi ngờ mắc bệnh cam tẩu mã.

Do bệnh nhân đến trong giai đoạn sớm, các BS đã tiến hành cắt lọc, rửa mô hoại tử và điều trị khỏi cho bệnh nhân trong vòng ba tuần vì chưa có tình trạng hoại tử các mô xung quanh. Kết quả kháng sinh đồ sau đó khẳng định bệnh nhân nhiễm vi trùng Steptococcus SPP không tán huyết (một trong bốn vi trùng gây bệnh cam tẩu mã).

Bệnh nhân mắc bệnh cam tẩu mã ở Bình Phước đã khỏi hẳn sau ba tuần điều trị tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM. (Ảnh do BS Hớn cung cấp)
Bệnh nhân mắc bệnh cam tẩu mã ở Bình Phước đã khỏi hẳn sau ba tuần điều trị tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM. (Ảnh do BS Hớn cung cấp)

Các BS cảnh báo những người có cơ địa thuận lợi cho bệnh cam tẩu mã phát triển là trẻ suy dinh dưỡng (đặc biệt là thiếu vitamin nhóm B, vitamin A), vệ sinh răng miệng kém, người bệnh sống gần vùng ô nhiễm nặng như bãi rác, chuồng gia súc mất vệ sinh và người bệnh suy giảm miễn dịch bao gồm AIDS.

BS Nguyễn Minh Hảo Hớn, khoa Mũi Xoang BV Tai Mũi Họng, cho biết bệnh cam tẩu mã là bệnh viêm họng miệng hoại tử lan rộng. Bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở lợi hay niêm mạc má. Sau đó bệnh lan nhanh ra các vùng xung quanh, làm thủng khẩu cái cứng (thành trên miệng), thông vào hốc mũi ở sàn mũi.

Theo diễn tiến, bệnh từ đây hoại tử lan rộng dần, nếu bệnh nhân không được điều trị sớm (như bệnh nhân Đạt ở Tiền Giang) thì vi trùng sẽ ăn sứt mũi ngoài, lan ra xương gò má, mắt, ăn dần lên não và tử vong.

Trước đây bệnh thường gặp ở các nước kém phát triển như châu Phi và trên trẻ nhỏ từ sáu đến 10 tuổi có tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt thường theo sau một đợt bệnh sởi, thương hàn hay một số bệnh nhiễm trùng khác.

BS Hớn cho biết bệnh cam tẩu mã bắt đầu bằng vết loét hoại tử to bằng hạt đậu xanh, ngày càng lan rộng. Tùy theo cơ địa mỗi người mà bệnh diễn tiến nhanh hay chậm.

BS Hớn lưu ý là cần phân biệt bệnh cam tẩu mã với bệnh viêm họng Aphtose (vết loét ở miệng nông). Bệnh này thường tự khỏi trong vòng 7-10 ngày và tái phát vào mùa trăng hay còn gọi là đẹn trăng.

Về điều trị, theo BS Hớn, đầu tiên là phết mủ vết mổ làm kháng sinh đồ (xem vi trùng nhạy với loại kháng sinh nào) và lấy mẫu thử giải phẫu bệnh. Kháng sinh được sử dụng cho bệnh nhân theo kết quả kháng sinh đồ. Thứ hai, cắt lọc mô hoại tử. Thứ ba, trong trường hợp hoại tử lan rộng làm mất cấu trúc vùng họng miệng, cánh mũi, sống mũi ngoài thì sau khi điều trị sạch vi trùng (4-8 tuần) có thể tái tạo lại chức năng và chỉnh hình thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Về nguyên nhân, bệnh thường do hai vi trùng gây bệnh chính là Fusobacterium necrophorum và Prevotella intermedia. Đôi khi có thêm vi trùng Staphylocossus aureus và Steptococcus SPP không tán huyết.

Theo Duy Tính

Pháp luật TPHCM