1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Anh:

Một bé trai tử vong sau 3 tuần phát thủy đậu

(Dân trí) - Một nốt rộp ngứa, thân nhiệt tăng nhẹ, đối với hầu hết các bậc phụ huynh, thủy đậu không phải là một căn bệnh nguy hiểm. Nhưng câu chuyện thương tâm dưới đây sẽ là một bài học cho các bậc cha mẹ và các bác sĩ.

 

Một bé trai tử vong sau 3 tuần phát thủy đậu - 1

Bé Fabio thời điểm trước khi bị thủy đậu

Cả phụ huynh và bác sĩ đều chủ quan

 

Anh Ricardo Alves-Nunes phát hiện dấu hiệu thủy đậu ở cậu con trai 5 tuổi Fabio khi bé chuẩn bị tới trường. “Mặt Fabio đột ngột xuất hiện 3 nốt đậu ở cằm nhưng tôi không thấy quá lo lắng về chúng”, anh Ricardo, 37 tuổi, cho biết. “Như hầu hết các bậc cha mẹ, chúng tôi nghĩ rằng bị thủy đậu khi nhỏ sẽ tốt hơn và các nốt đậu sẽ sớm bay thôi bởi nếu bị thủy đậu khi trưởng thành thì sẽ có nhiều nguy cơ biến chứng hơn. Vậy là tôi cho cháu nghỉ học và chờ đợi những nốt đậu mới xuất hiện. Thực tế thì nốt đậu đầu tiên đã xuất hiện vài ngày trước đó (7/2/2008).

 

“Fabio bị eczema thể nặng từ khi còn nhỏ và đã từng phải điều trị 2 tuần sau sinh do da bị viêm nặng. Bệnh thủy đậu làm cho bệnh eczema của cháu càng nặng thêm. Khi cháu làm vỡ các nốt phồng rộp, vùng da tổn thương càng viêm nặng và chảy mủ”, chị Anna, mẹ bé Fabio nhớ lại.

 

Vào đúng ngày 13/2, gần 1 tuần sau khi xuất hiện nốt đậu đầu tiên, tình trạng Fabio trở nên tồi tệ hơn. Thường ở giai đoạn này, các nốt đậu đã đóng vẩy và giai đoạn tồi tệ nhất đã qua.

 

Anna đã lo lắng gọi điện cho phòng khám, mô tả các triệu chứng như “sốt cao và tình trạng li bì, mắt sưng”  nhưng lễ tân của phòng khám nói rằng bác sĩ không cần thiết phải tới khám và nên tắm cho cháu với loại thuốc chuyên trị.

 

24 tiếng sau, tình trạng của Fabio càng tệ hơn. Anna đã vội đưa con đi cấp cứu ở bệnh viện East Surrey.

 

Anna đã chụp ảnh con trai trước khi đưa cháu đi viện và nghĩ rằng sẽ cho cậu bé xem khi khỏe hơn để biết mình đã từng bị ốm như thế nào. Ở bệnh viện, Fabio yếu đến mức phải lên cầu thang bằng xe lăn.

 

“Khi tôi chỉ cho bác sĩ những vết thương hở, tôi nghĩ là ông ý sẽ quan tâm nhưng cuối cùng, bác sĩ chỉ kê kháng sinh đơn giản và bảo tôi đưa bé về nhà”, chị Anna nhớ lại.

 

3 ngày sau đó thực sự là ác mộng. Fabio gần như không ăn và làn da bé thì trầy xước và đầy mủ đến mức tôi phải thay quần áo cho cháu 4 lần/ngày. Mỗi sáng, ga trải giường lại đầy vết máu khô. Nhưng chúng tôi tin lời bác sĩ và vì thế không nghĩ tới việc đưa cháu quay trở lại bệnh viện và đến giờ này, tôi mới biết đó là 1 sai lầm”, chị Anna nói.

 

Nỗi day dứt không nguôi

 

Một bé trai tử vong sau 3 tuần phát thủy đậu - 2

Từ thủy đậu thể nhẹ, bé đã bị nhiễm trùng máu do khuẩn độc xâm nhập qua các vết thương luôn chảy mủ và máu

17/2, Fabio bắt đầu mất ý thức. Anh Ricardo bế con mà đầu cháu nghẹo ra đằng sau đến mức anh nghĩ là cháu không qua khỏi. Nhưng đêm đầu tiên ở viện khá yên ổn, cháu tỉnh vài lần và đòi uống nước. Y tá dùng các loại băng gạc dành cho bệnh nhân bị bỏng để băng bó cho Fabio. Ai cũng tin là bé đã qua nguy kịch nhưng ngày 18/2, tình trạng của Fabio xấu đi trông thấy và buộc phải chuyển sang viện Nhi Evelina (London).

 

“Ngay khi chuyển tới, các bác sĩ ở đây đã thông báo về tình trạng nguy kịch và khó qua khỏi của cháu. Chúng tôi thực sự sốc. Tại sao tình trạng viêm da lại có thể làm ảnh hưởng tới tính mạng của cháu như vậy?”, anh Ricardo nhớ lại.

 

Sau này, gia đình bé Fabio mới biết, bé đã bị nhiễm độc máu cấp gây sốc và thủ phạm là tụ cầu khuẩn Staphylococcus. Đây là một biến chứng rất hiếm gặp ở bệnh thủy đậu, vi khuẩn tiết chất độc vào máu, gây tổn thương đa cơ quan trong cơ thể.

 

Sau hơn 10 ngày chống chọi với bệnh tật, cùng với máy móc vây kín người, ngày 1/3, bé Fabio đã trút hơi thở cuối cùng.  

 

Kể từ sau cái chết của con cho tới nay, bố mẹ bé Fabio luôn giằn vặt bản thân, cho rằng mình đã gây ra cái chết tức tưởi của con trai. Hiện chị Anna đang phải điều trị tâm lý vì cho rằng “con chết là do mình”.

 

Gia đình cũng làm đơn gửi bệnh viện nhưng chỉ đến tháng 6/2009, mới nhận được lời xin lỗi và giải thích chính thức về nguyên nhân dẫn tới cái chết của con trai họ.

 

Vậy là bé Fabio đã “gia nhập” danh sách những bệnh nhân bị biến chứng nặng dẫn tới tử vong do virus thủy đậu sau 3 tuần mang bệnh.

 

Lời khuyên chuyên gia

 

Theo chuyên gia Nhi Adam Finn (ĐH Bristol), một người quan tâm đặc biệt tới bệnh thủy đậu, những biến chứng của bệnh này thường gặp ở phụ nữ mang thai, những người có hệ miễn dịch kém, hoặc trẻ em dưới 4 tuần tuổi. “Thật không may là không dễ để tiên lượng trong số hàng ngàn trẻ em bị thủy đậu mỗi năm, em nào sẽ gặp các biến chứng nghiêm trọng”, Finn bày tỏ.

 

Khoảng 95% trẻ bị thủy đậu trước tuổi 16 và hầu hết là ở dạng nhẹ với các nốt đậu phồng rộp, ngứa ngáy và thân nhiệt có thể tăng cao. Thủ phạm là virus varicella-zoster và rất dễ lây qua tiếp xúc, thường kéo dài 1 tuần đến 10 ngày. Chỉ khoảng 1% trường hợp gặp các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim và sốc (một loại ngộ độc máu) - tất cả đều làm suy giảm hệ miễn dịch.

 

Finn cho rằng không có các biểu hiện nào giúp cha mẹ biết rằng con mình có bị biến chứng nặng hay không nhưng nếu các triệu chứng của bệnh không cải thiện sau 1 tuần thì nên đưa con đi khám.

 

Ngoài ra, vắc xin thủy đậu cũng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong do biến chứng.

 

Nhân Hà

Theo Dailymail

 

 

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm